Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội

Sản phẩm - Dịch vụ
02:22 PM 01/10/2022

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30-35 km về phía Nam chính là ngôi làng Áng Phao (xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội), làng được vinh dự nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2005.

Không biết nghề mộc đã có từ bao giờ, nhưng nghề này đã nuôi lớn biết bao thế hệ của làng Áng Phao và được những người con của làng gìn giữ, phát triển đến ngày hôm nay.

Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội - Ảnh 1.

Những chi tiết tinh xảo, cầu kỳ của một sản phẩm của thợ mộc làng Áng Phao. Ảnh: FB Làng nghề Mộc truyền thống Áng Phao

Sự tài hoa của người thợ làng nghề mộc truyền thống Áng Phao được thể hiện qua những chi tiết khắc, trổ tinh xảo và cầu kỳ. Trong thời đại công nghệ tiên tiến, sự trợ giúp của các loại máy móc hiện đại đã giúp ích rất nhiều cho công việc của người thợ Áng Phao. Nhưng mỗi sản phẩm của làng Áng Phao vẫn giữ được giá trị riêng. Bởi mỗi hoa văn họa tiết đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm cao vẫn được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của người thợ.

Hiện nay, khi đời sống càng phát triển hơn, nhu cầu của mỗi người về những sản phẩm gia dụng cũng ngày một nâng cao, do đó mỗi người thợ Áng Phao luôn phải cập nhật xu hướng để có thể cho ra đời một sản phẩm độc đáo và bắt mắt nhất.

Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội - Ảnh 2.

Thanh niên Áng Phao đều cố gắng phát huy những truyền thống mà cha ông truyền lại. Ảnh: Báo Pháp Luật

Sản phẩm của làng nghề có nhiều loại: bàn ghế, sập gụ, tủ chè, hương án, ngai thờ… được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo theo lối cổ và hiện đại. Tất cả không chỉ là một sản phẩm thông thường mà còn là tâm huyết của mỗi nghệ nhân làng Áng Phao.

Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội - Ảnh 3.

Người thợ trẻ đang hoàn thiện sản phẩm được khách hàng đặt trước. Ảnh: FB Làng nghề Mộc truyền thống Áng Phao

Và mọi công sức, tâm huyết đã được đền đáp xứng đáng. Mới đây, hai sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết tại làng nghề mộc Áng Phao, xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội đã được công nhận OCOP 4 sao. Đây là niềm vinh dự, tự hào của một làng nghề truyền thống, làm nhà gỗ và đồ gỗ dân dụng. Hai sản phẩm đó là: Ngai thờ gỗ cẩm phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, Hương án gỗ gụ phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.

Ngoài được biết đến là một làng nghề mộc truyền thống, Áng Phao còn được khách gần xa tìm đến bởi các công trình nhà gỗ cổ nổi tiếng. Dựa trên nền tảng của thế hệ ông cha truyền lại, cùng sự thấu hiểu những biến đổi của nếp nhà gỗ theo từng thời kỳ, những người thợ của làng nghề mộc truyền thống Áng Phao đã dựng lên, và phục chế rất nhiều ngôi nhà cổ trên cả nước. 

Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội - Ảnh 4.

Sản phẩm khéo léo của người thợ Áng Phao. Ảnh: FB Làng nghề Mộc truyền thống Áng Phao

Mỗi thành phẩm sau khi hoàn thiện vẫn mang nét đặc trưng riêng của những nếp nhà cổ xưa, cùng với đó là những chi tiết cấu tạo được người thợ “luân chuyển” và “biến hóa” để phù hợp hơn với từng thời điểm xây dựng. Có thể nói, những người thợ làng Áng Phao chính là "cầu nối" của quá khứ và hiện tại.

Làng nghề mộc Áng Phao - Dấu ấn làng nghề truyền thống trong văn hoá Hà Nội - Ảnh 5.

Người thợ Áng Phao đang dựng nhà gỗ theo đơn đặt hàng. Ảnh: Thư viện Gỗ

Du khách đến Áng Phao thường để thăm quan các xưởng sản xuất, được tận mắt xem các nghệ nhân và lao động trong làng chế tác ra các sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ, đồng thời để đặt hàng các sản phẩm theo mục đích riêng.

Với sự đồng lòng trên dưới của nhân dân và chính quyền, làng nghề mộc Áng Phao đang thực sự chuyển mình, góp phần tô điểm thêm diện mạo ngày càng tươi đẹp hơn của quê hương Thanh Oai và điều đáng nói hơn cả là làng nghề mộc Áng Phao đang tự tin phấn đấu đến với danh hiệu làng nghề truyền thống.


Minh An
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).