Làng nghề - Phố nghề: Dấu ấn tạo nét riêng cho công nghiệp văn hóa Thủ đô
Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa, coi ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống là lĩnh vực công nghiệp sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.
UBND TP Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND TP công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.
Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời là nơi chứa đựng các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác vốn là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển thủ công mỹ nghệ và du lịch văn hóa, vốn là 2/12 lĩnh vực cấu thành nên ngành công nghiệp văn hóa.
Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội ngày càng có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhận, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng.
Có thể kể tới như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên)…
Sự phát triển tương đối ổn định của các làng nghề đang mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt trên 24.000 tỷ đồng. Đặc biệt còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn…
Hà Nội cũng là địa danh duy nhất tồn tại khái niệm “phố nghề” - nơi chuyên doanh, buôn bán mặt hàng đặc trưng tên phố và những sản phẩm truyền thống của từng hội phường, hội nghề. Với 47/76 con phố trong khu phố cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày nay có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng”, nơi đây là cái nôi vừa sản xuất vừa tiêu thụ, buôn bán mặt hàng đặc trưng tên phố và những sản phẩm truyền thống của từng hội phường, hội nghề trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm hình thành và phát triển.
Tuy giờ đây chỉ còn vài con phố còn giữ được nghề xưa nhưng khu vực phố cổ vẫn là nhịp cầu đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đến với người tiêu dùng và du khách gần xa. Những phố Hàng sắp xếp dạng ô bàn cờ đã trở thành những tuyến phố chuyên doanh gắn với bảo tồn không gian văn hóa - sáng tạo cùng nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật - thủ công mỹ nghệ vô cùng đặc sắc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng cho biết, mỗi làng nghề - phố nghề trên địa bàn Thủ đô lại mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm từ những đôi bàn tay tài khéo của vùng đất này đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phấn đấu tới năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng.
Không chỉ là nơi sản xuất, làng nghề đang trở thành điểm đến du lịch văn hóa lý tưởng cho đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu, trải nghiệm nghề truyền thống và sở hữu những món đồ thủ công làm quà tặng, đồ trang trí hay vật dụng hằng ngày. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách về cả hình thức lẫn nội dung sản phẩm, các nghệ nhân cùng đội ngũ thợ giỏi nghề không ngừng thay đổi, sáng tạo mẫu mã thiết kế, thổi hồn hiện đại vào sắc màu truyền thống, nâng cao cả tính thẩm mỹ trang trí lẫn khả năng ứng dụng trong đời thường.
UBND TP Hà Nội xác định, làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.
Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề trên địa bàn Hà Nội, UBND TP đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của TP và UBND cấp huyện cần xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tích hợp quy hoạch làng nghề với quy hoạch chung của Thủ đô.
Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề Hà Nội đủ mạnh, đồng bộ trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được ban hành. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề đến các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, các sở ngành, UBND cấp huyện cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ mang tính đột phá đối với từng mắt xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm ngành nghề, làng nghề.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đặc thù, khác biệt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đương đại, nhằm tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.