Làng nghề Sơn Đồng: Kiêu hãnh từ những đôi bàn tay tài hoa
Làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Từ trung tâm thủ đô, bạn đi ngược về hướng Tây theo đường Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu, dọc theo Quốc lộ 32 là tới nơi.
Làng nghề 1000 năm tuổi
Sơn Đồng đã từ lâu không chỉ với người dân Thủ đô mà nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều biết đến ngôi làng cổ với nghề truyền thống là đúc, tạc tượng, đồ thờ cúng nổi tiếng.
Theo sách "Việt sử thông giám cương mục" thì tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi và địa giới của Hoài Đức biến đổi nhiều lần. Sơn Đồng nổi tiếng nghề tạc tượng phật, tượng mẫu và sản xuất đồ thờ cúng mỹ nghệ như bàn thờ, bàn án gian, sập thờ, hoành phi - câu đối, chấp tải, cửa võng và các loại đồ thờ cúng trưng bày bằng gỗ. Tất cả đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc một cách tỉ mỉ và công phu. Hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ... trong vùng đồng bằng Bắc Bộ đều có dấu ấn bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng mỹ nghệ Sơn Đồng. Sản phẩm của Sơn Đồng chiếm 70% thị phần đồ thờ tâm linh trên cả nước và đã xuất khẩu ra nước ngoài.
Những nghệ nhân tài hoa Sơn Đồng, ngoài phương thức chung thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng đều có những thủ pháp riêng không hoàn toàn giống nhau. Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít với đặc tính mềm, thớ dặm, ít nứt, dễ gọt và có độ bền cao. Gỗ mít được mua về từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… rồi được loại bỏ hết phần giác, chỉ để lại phần lõi để tạc. Sau đó, người thợ dùng dây để đo thể tích và tiến hành cắt gỗ theo khối hình. Phần gia công đầu tiên là đầu và mặt tượng. Người thợ phải đục phác thảo những khối mũ (nếu có), rồi trán, mũi, môi, tai... Sau khi đục phác thảo lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, người thợ sẽ đục chi tiết từng bộ phận - khâu quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Khâu tiếp theo là gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn.
Trong khi gọt, người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết sao cho các mảng, các khối không dính vào nhau. Đây là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên, người thợ hom tượng bằng sơn trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí. Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước. Việc sơn lên rồi lại mài đi cứ được tiến hành đến khi bề mặt tượng phẳng, nhẵn và mọng thì dùng một lớp sơn cầm thếp phủ lên. Khi sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính), người thợ sẽ tiến hành dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách.
Phát triển văn hoá làng nghề
Người dân Sơn Đồng luôn trăn trở với việc giữ gìn nét văn hóa, bản sắc làng nghề, phát triển cầu nối giao thương, phát triển thương mại, nâng tầm quốc tế, giới thiệu tinh hoa, sản phẩm làng nghề đến với đông đảo khách hàng.
Với các nghệ nhân, muốn có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, nhất định phải kể đến phẩm hạnh, cái "tâm" của người thợ với nghề. Đặc biệt là tâm đức, tâm hồn và tâm linh. Muốn tạo ra những bức tượng Phật, tượng Thánh, ông Hạc, ông Ngựa, cuốn thư, hoành phi câu đối,… trang trí trên đó long, ly, quy, phượng, thợ điêu khắc Sơn Đồng phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh để dân tôn thờ. Họ còn phải học hỏi tâm đức từ các vị để nâng cao tâm hồn, có ý thức tâm linh để nâng cao tay nghề, nâng cao giá trị sản phẩm.
Người làng Sơn Đồng luôn trân trọng từng sản phẩm của mình tạo ra. Họ gọi những bức tượng là "ông tượng, ngài tượng", khi phải di chuyển thì dùng vải đỏ phủ kín tượng, thái độ luôn thành kính, trân trọng. Có lẽ đó là niềm tin, là cái tâm dành cho nghề của người dân đất Nghệ, cũng như một thứ nếp nghề được truyền từ đời này sang đời khác.
Trương HưngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.