Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng Gen Z trong thời đại số
Trước sự hiện diện ngày càng sâu rộng của thế giới số trong đời sống giới trẻ, việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và trách nhiệm đang trở thành ưu tiên chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội...
Hưởng ứng tinh thần đó, Tọa đàm "Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số" đã diễn ra sôi nổi vào sáng 18/5 tại Hà Nội. Tọa đàm do MSD United Way Việt Nam phối hợp cùng TikTok tổ chức, đã tạo nên không gian đối thoại đa chiều giữa thiếu niên, phụ huynh và các bên liên quan. Đây là sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và khởi động Tháng Hành động vì Trẻ em 2025.

Các diễn giả, khách mời tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm.
Tọa đàm "Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số - Teens Talks: Online Safety & Digital Well-being" quy tụ nhiều diễn giả đến từ cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, nền tảng công nghệ và cộng đồng sáng tạo nội dung. Trong đó có bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế); bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD; ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách Tik Tok Việt Nam,... Ngoài ra, còn có TS. Hoàng Tú Anh, PGS.TS Trần Thành Nam, bà Trần Vân Anh cùng các nhà sáng tạo nội dung như Vũ Quỳnh Trang (Hoa hậu vỉa hè) và Ngọc Ánh (Anh Sắc Ánh).
Sự kiện thu hút hơn 120 người tham dự, bao gồm thiếu niên từ 13 -16 tuổi, phụ huynh, đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, chuyên gia giáo dục - tâm lý và các nhà sáng tạo nội dung số. Không khí cởi mở và tinh thần lắng nghe đã tạo điều kiện để các bên chia sẻ thực tế, bày tỏ quan điểm, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm chung tay kiến tạo một không gian mạng tích cực hơn cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD - khẳng định: "Trẻ em không chỉ cần được bảo vệ, mà còn là chủ thể có góc nhìn và khả năng tham gia xây dựng một môi trường mạng an toàn, văn minh". Theo bà, môi trường số là không gian định hình bản sắc, lan tỏa giá trị và kết nối cộng đồng. Vì vậy, cần tin tưởng, trao quyền và đồng hành cùng thế hệ Z - những người đang lớn lên cùng công nghệ.
Thông qua cách tiếp cận "Công dân số chuẩn - SNET" (Safe - An toàn, Netizen Smart - Thông minh, Empowered - Được trao quyền, Thoughtful & Together - Suy nghĩ thấu đáo và Hành động cùng nhau), MSD nhấn mạnh rằng: Mỗi bạn trẻ có thể trở thành người sử dụng công nghệ có trách nhiệm và tích cực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, nền tảng công nghệ và chính các bạn trẻ.
Tại tọa đàm, đại diện TikTok Việt Nam - ông Nguyễn Lâm Thanh - đã chia sẻ về những nỗ lực của nền tảng trong việc xây dựng môi trường an toàn cho người dùng trẻ. "TikTok là không gian quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Chúng tôi triển khai các chế độ mặc định bảo vệ người dùng ngay từ khi tạo tài khoản, đồng thời phát triển tính năng hỗ trợ phụ huynh như Family Pairing để giúp cha mẹ đồng hành hiệu quả hơn với con trong thế giới số".

Đại diện TikTok Việt Nam - ông Nguyễn Lâm Thanh - chia sẻ tại tọa đàm.
Đại diện TikTok cũng giới thiệu thêm các công cụ và tài nguyên hướng dẫn giúp thanh thiếu niên xây dựng thói quen sử dụng nền tảng một cách cân bằng, lành mạnh và phát triển bản thân tốt hơn.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế - nhận định: "Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng không thể thiếu vai trò của cha mẹ. Phụ huynh là "vắc xin số" đầu tiên giúp con hình thành khả năng nhận biết rủi ro, tự bảo vệ và phát triển tích cực".
Nhiều phụ huynh tại tọa đàm bày tỏ sự quan tâm tới các công cụ bảo vệ như Family Pairing của TikTok, nhưng thừa nhận còn thiếu thông tin, kỹ năng và mong muốn được trang bị thêm kiến thức thực tiễn để hỗ trợ con tốt hơn. Một số đề xuất bao gồm tổ chức các buổi hướng dẫn cụ thể, tài liệu dễ hiểu và không gian trao đổi giữa phụ huynh với chuyên gia.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ tại tọa đàm.
Dưới góc nhìn chuyên môn về tâm lý, để thúc đẩy sức khỏe tinh thần của trẻ em trên môi trường số (digital wellbeing) PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: Sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng. Với thanh thiếu niên - thế hệ sinh ra cùng công nghệ - những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.
"Điều đáng lo là nhiều em không nhận ra mình đang bị tổn thương, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận: không chỉ dạy con "dùng công nghệ đúng cách", mà còn cần cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống có cả rủi ro và cơ hội. Thanh thiếu niên cần được lắng nghe, cần kỹ năng để tự điều chỉnh, và quan trọng nhất là cần có người đồng hành - không phải để kiểm soát, mà để kết nối", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông cho rằng phụ huynh cần đồng hành như một người bạn, tạo không gian cho con chia sẻ và phát triển, thay vì chỉ đặt ra giới hạn. "Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu rõ cả cơ hội lẫn rủi ro của môi trường số, và có kỹ năng tự điều chỉnh - thay vì chỉ áp đặt các quy tắc sử dụng thiết bị".

Các thiếu niên tham gia thảo luận tại Tọa đàm.
Tại tọa đàm, gần 50 thiếu niên đã cùng chia sẻ trực tiếp trong phiên thảo luận mở. Nhiều bạn đề cập đến trải nghiệm tích cực với TikTok như công cụ học tập, sáng tạo và giải trí, nhưng cũng thẳng thắn nêu rõ những thách thức gặp phải: thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực hay áp lực vô hình từ lượt tương tác.
Các em nhấn mạnh rằng "được lắng nghe" là điều giúp các bạn cảm thấy an toàn và có trách nhiệm hơn khi sử dụng Tiktok. "Chúng em không cần bị kiểm soát, chúng em cần được tin tưởng, hướng dẫn và đồng hành". Những lời chia sẻ chân thành, mạch lạc của các em đã thu hút sự chú ý và tạo nên những khoảnh khắc lắng đọng tại sự kiện.
Tại phiên thảo luận "Thanh thiếu niên có thương hiệu cá nhân là người sáng tạo kỹ thuật số có trách nhiệm", nhiều bạn trẻ đã cùng chuyên gia phân tích vai trò của người sáng tạo nội dung trong việc lan tỏa giá trị tích cực. Những lời khuyên như "hiểu rõ bản thân", "kiểm chứng thông tin", "nói không với trào lưu độc hại" được đón nhận tích cực.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tiến sĩ Hoàng Tú Anh chia sẻ về tầm quan trọng của việc hình thành bản sắc số lành mạnh. Trong khi đó, đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh cam kết tăng cường an toàn nội dung thông qua các chính sách kiểm duyệt chặt chẽ và bộ tài nguyên "TikTok cho gia đình".
Chị Hoa - một phụ huynh tham dự cho biết: "Tôi cảm thấy được tiếp thêm niềm tin khi nghe chuyên gia và TikTok cùng cam kết. Điều quan trọng là cha mẹ cũng cần chủ động học hỏi để đồng hành cùng con trong thời đại số". Một học sinh khác bày tỏ: "Em thấy mình được tôn trọng khi có cơ hội lên tiếng và được người lớn lắng nghe".
Tọa đàm khép lại với tinh thần đồng thuận, cùng hướng tới một môi trường mạng an toàn, tích cực và bao trùm hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Những đề xuất thực tế từ chính các em nhỏ đã được các bên liên quan ghi nhận, mở ra hy vọng về các chính sách, chương trình và nền tảng công nghệ lấy người trẻ làm trung tâm.

Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận tập huấn cho thiếu niên tại buổi Tọa đàm.
Sự kiện không chỉ là diễn đàn đối thoại, mà còn là minh chứng cho cam kết phối hợp liên ngành - giữa tổ chức xã hội, doanh nghiệp công nghệ, gia đình và người trẻ - nhằm tạo nên sự thay đổi thiết thực trong thế giới số.
Trong thời gian tới, Viện MSD - United Way Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến hỗ trợ thanh thiếu niên và gia đình, đưa gia đình trở thành "điểm tựa số" đầu tiên giúp trẻ phát triển an toàn và vững vàng trong không gian mạng.
Trúc Quỳnh
Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 được Cục Thống kê công bố cho thấy, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân được cải thiện. Năm 2024 thu nhập bình quân đầu người/tháng theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023.