Làng nghề thêu ren Thường Tín: Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Tiếp thị số
09:17 AM 01/11/2022

Huyện Thường Tín (Hà Nội) là “thủ phủ” nghề thêu tay của miền Bắc với rất nhiều nghệ nhân. Nơi đây người dân tri ân ông tổ nghề Lê Công Hành bằng cách gìn giữ nghề truyền thống, phát triển thương hiệu địa phương với nhiều sản phẩm đẹp.

Làng nghề với bề dày lịch sử

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem sản phẩm tình yêu đối với non sông gấm vóc.

Hà Nội: Lưu giữ nét truyền thống của làng nghề thêu ren ở Thường Tín - Ảnh 1.

Tranh thêu tay ở nước ta vẫn được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao, yêu thích bởi chứa đựng những nét văn hóa, sự khéo léo của những người làm nghề thông qua những đường kim mũi chỉ. Dù được làm bằng tay nhưng những bức tranh rất có hồn, mang tính nghệ thuật cao. Có rất nhiều bức tranh do các nghệ nhân thêu xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật.

Theo tài liệu, tổ nghề thêu của hai xã là Lê Công Hành, tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong cuốn "Thường Tín đất danh hương" xuất bản năm 2004 có viết: "Bùi Công Hành là người có công với đất nước, được triều đình Lê sơ ban thưởng Quốc tính (được mang họ nhà vua). Lê Công Hành từng đi sứ Trung Quốc 10 năm. Khi về ông mang nghề thêu và làm lọng dạy cho dân làng Quất Động và dân quanh vùng, trở thành một nghề kiếm sống những khi nông nhàn". Bản sắc phong có niên đại năm 1637, hiện còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại đình Đào Xá (xã Thắng Lợi), ghi rất đầy đủ những thông tin này

Đặc biệt, Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh (người gốc ở xã Quất Động) đã mang nghề vào Huế lập nghiệp, dạy cho hàng nghìn học trò, tạo nên thương hiệu tranh thêu tay xứ Huế. Ông cũng là người xác lập kỷ lục vì hoàn thành bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Suốt nhiều năm, cơ sở thêu tranh ở 82 Phan Đăng Lưu (thành phố Huế) của ông Kinh là địa chỉ được nhiều khách nước ngoài tìm đến. Ở đó có hàng nghìn mẫu tranh thêu về Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ, con đò... Nhờ những bức tranh sinh động ấy, du khách nước ngoài hiểu hơn về cảnh đẹp và văn hóa Huế. Con gái ông, chị Lê Khánh Hà đã tiếp nối nghề của bố, xây dựng cửa hiệu tranh thêu ở đường Lê Lợi (thành phố Huế). Sổ vàng gia đình ông Kinh đầy ắp những dòng lưu bút, có người ví ông như báu vật nhân văn sống, có bàn tay vàng, vẽ Huế bằng đường kim mũi chỉ.

Nỗ lực giữ nghề

Tranh thêu của làng nghề Thắng Lợi luôn mang một nét đặc trưng riêng. Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: Vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu. Kỹ thuật thêu tay truyền thống bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. 

Hà Nội: Lưu giữ nét truyền thống của làng nghề thêu ren ở Thường Tín - Ảnh 2.

Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu. Bên cạnh các phẩm chất: cần cù, nhẫn nại, khéo léo, họ cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao. Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, họ phải tiến hành rất nhiều công đoạn: xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng...  sao cho các sợi chỉ quyện vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc đài hoa, chiếc lá luôn đều đặn…

Để có mỗi bức chân dung khổ lớn, những nghệ nhân phải trải qua một đến vài năm tỉa tót từng sợi tơ, sợi chỉ để có những đường nét tươi tắn. Giai đoạn chỉnh sửa tranh là khó nhất. Thêu chân dung phải rất kỳ công. Tranh thêu tay vẫn được bán đầy trên thị trường, nhưng để tìm được bức có hồn chẳng đơn giản chút nào. Người thêu tranh giỏi phải có tâm hồn họa sĩ thực thụ.

Hiện nay, nghề thêu ở Thường Tín gặp không ít khó khăn do cơ chế thị trường, do sự áp đảo của dòng tranh thêu máy. Huyện Thường Tín đã có phương án hỗ trợ, tổ chức lớp dạy nghề, giúp quảng bá thương hiệu... Theo bà Uông Thị Phượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay, ngoài nỗ lực của chính mình, các nghệ nhân làng nghề thêu tay cũng mong muốn Thành phố tổ chức thêm hội chợ giới thiệu, quảng bá nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, làng nghề đã đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thường Tín. Huyện đã có giải pháp hỗ trợ các làng nghề, tôn vinh nghệ nhân có tâm huyết truyền dạy, giữ nghề truyền thống.

Đối với người dân làng Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội thêu không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống. Trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề thêu Bình Lăng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Có thời điểm cả xã Thắng Lợi với hơn 80% gia đình có nghề, nhưng chỉ còn vỏn vẹn khoảng 30% gia đình còn giữ nghề thêu truyền thống. Đây cũng là những gia đình có những nghệ nhân tâm huyết, họ giữ nghề không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn để phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.