Làng nghề Tương Bình Hiệp: Giữ "lửa nghề" sơn mài truyền thống

Địa phương
10:46 AM 20/03/2023

Sơn mài được coi là đặc trưng của nền hội họa Việt Nam và được chế tác thông qua nhiều công đoạn tỉ mỉ cùng với kỹ thuật lành nghề của các nghệ nhân. Qua hàng trăm năm, số lượng nghệ nhân ngày càng ít nhưng những giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử vẫn còn được bảo tồn và phát huy.

Nói đến nghề sơn mài, chúng ta phải nhắc đến tỉnh Bình Dương, trung tâm của nghề sơn mài. Tại đây, có làng sơn mài nổi tiếng Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một), nằm cách thành phố khoảng 6 km về hướng Bắc. Nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp có lịch sử hơn 300 năm. 

photo-1679279216745

Sơn mài - chất liệu độc đáo của nghệ thuật Việt Nam được làng nghề Tương Bình Hiệp tiếp thu, phát triển.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp có bản sắc riêng, luôn đảm bảo mặt hàng chất lượng cao, mẫu mã phong phú với hai loại sản phẩm là khảm và sơn mài. Mỗi sản phẩm ở đây là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, óc sáng tạo và cái nhìn tinh tế của nghệ nhân. 

Làng nghề Tương Bình Hiệp: Giữ "lửa nghề" sơn mài truyền thống - Ảnh 2.

Những bức tranh thể hiện hình ảnh một làng quê Việt Nam, hay đơn giản chỉ là một cành hoa, một con chim trên cành trở nên có hồn, sinh động qua bàn tay của các nghệ nhân.

Không chỉ làm tranh sơn mài về phong cảnh, làng Tương Bình Hiệp còn nhận làm tranh các tôn giáo như ảnh Đức Mẹ, chúa Giê Su của Thiên Chúa giáo hay Đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Thế Âm của Phật giáo, Đức Khổng Phu Tử… hoặc các sản phẩm nghệ thuật và các đồ dùng trong gia đình như: Khay, hộp đựng đồ trang sức cho đến các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ cao cấp. Còn mặt hàng khảm với các sản phẩm đều bằng gỗ quý như tủ thờ, liễn, trường kỷ… đều là những sản phẩm được ưa chuộng, thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.

Nguyên liệu chính của sơn mài là gỗ, sơn ta và các loại vỏ trai ốc. Giá trị của mỗi sản phẩm còn tùy thuộc vào từng loại gỗ, từng loại vỏ trai ốc trang trí. Vỏ trao ốc có nhiều loại như xà cừ là loại ốc ở biển có nhiều vân mầu rất đẹp, ốc xác là loại hến biển có màu trắng hay màu vàng, ốc ngụ nữ có vân màu xanh… Đắt giá nhất là các sản phẩm được làm từ ốc xà cừ và ốc xác vàng. Từ các chất liệu này, nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn như sơn hom khuôn gỗ làm nền đến sáu nước. Vỏ trai ốc được vẽ mẫu và lộng hình cho bức tranh rồi dùng keo dán lên khuôn gỗ đã sơn hom, sơn lót hai lần, mài nước, sơn phủ hai lần lên toàn bức tranh và mài nước. 

Sau đó, nghệ nhân tách, đục những đường nét hoa văn tạo hình cho vỏ trai ốc như đường vân của lá, mắt, mũi, miệng của con người, vảy cho cá… Sau cùng dùng sơn phủ lên hoa văn, đường nét vừa tạo và đem mài nước. Đó là những bước của công đoạn sơn mài. Cuối cùng, nghệ nhân dùng sơn bóng thổi hoặc đánh bóng cho bức tranh thành một sản phẩm hoàn hảo.

photo-1679279225919

Các công đoạn làm ra các sản phẩm sơn mài.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất của làng Tương Bình Hiệp đã nhạy bén chuyển hướng, bắt nhịp với xu thế, thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số… Đặc biệt, các nghệ nhân nơi đây đã biết ứng dụng sơn công nghiệp thay thế cho nguyên liệu sơn ta (đặc trưng làm nên giá trị của sơn mài Tương Bình Hiệp), cho ra các sản phẩm với giá cả hợp lý để khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được.

Nhiều sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp đã được xuất khẩu ra nước ngoài và tham dự nhiều hội chợ trong nước và quốc tế.

Tùy theo kinh nghiệm của mỗi nghệ nhân và bí quyết của từng gia đình sẽ cho mặt hàng sơn mài và khảm mang nét riêng, tạo thêm thêm sự đa dạng, phong phú và đặc sắc cho sản phẩm của làng, song vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm tính chất Á Đông, "giữ lửa" là một làng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Để bảo tồn và phát huy nghề sơn mài, nhất là bảo vệ nghệ nhân và làng nghề, cuối năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận làng Tương Bình Hiệp là làng nghề truyền thống. Theo những nghệ nhân, những người gắn bó với sơn mài Tương Bình Hiệp, đây là cơ hội thuận lợi cho nghề sơn mài được hưởng các chính sách ưu đãi, mở hướng đi mới về đầu tư mở rộng thị trường, tạo việc làm, thu hút lao động và phát triển kinh tế kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục được nhân lên khi “Nhãn hiệu tập thể sơn mài Bình Dương” đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận vào ngày 8/7/2011. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc danh mục "Văn hóa phi vật thể quốc gia". Đây là mốc đánh dấu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài ở Bình Dương; góp phần khẳng định cốt lõi giá trị văn hóa của nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp.

Hoàng Vân
Ý kiến của bạn
Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp quy mô hơn 600 ha Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp quy mô hơn 600 ha

Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.