Lạng Sơn: Khai mạc kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVII
Sáng 9/12, tại Lạng Sơn, Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 31 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).
- Quảng Ninh: Xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3
- Khánh Hòa: Hội thảo báo chí chủ đề "Vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung"
- Lạng Sơn: Sơ kết 5 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân và 1 năm thực hiện đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới
Dự kỳ họp có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện Vụ địa phương I, Ban Tổ chức Trung ương, Văn Phòng Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội khoá XV; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII; lãnh đạo HĐND các huyện, thành phố.
Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ tọa kỳ họp.
Tại kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trên cơ sở xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét thông qua 29 nghị quyết gồm: Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…
Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, tập trung thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; Phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách; Chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó hiến kế các giải pháp, đưa ra quyết định sát, đúng các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2025.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cho biết, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Những thuận lợi đó là tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các điểm nghẽn của nền kinh tế được tập trung tháo gỡ; các nguồn lực được Trung ương quan tâm phân bổ đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dự án trọng điểm, nhất là các dự án có tính chất kết nối vùng, liên vùng được tập trung đẩy mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng cao, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, môi trường đầu tư được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng.
Tuy nhiên, những khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản; doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2024 phát triển toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,01%, trong đó: Nông lâm nghiệp tăng 2,78%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%, dịch vụ tăng 6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,17%. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,51%; công nghiệp - xây dựng 23,71%; dịch vụ 50,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,1 triệu đồng.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, thành lập mới 1.200 doanh nghiệp, đạt 200% kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước 9.805,5 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai thực hiện tốt, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Dự ước hết năm 2024, toàn tỉnh có 2.740 giường bệnh, đạt 33,6 giường bệnh/vạn dân; 11,4 bác sĩ/vạn dân; 100% các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,45%.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tạo tiền đề cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ giai đoạn 2026 - 2030; nhu cầu kinh phí cho đầu tư phát triển, thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, dự án, đề án của tỉnh, đối ứng kinh phí để thực hiện các chương trình dự án đã cam kết... rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước còn khó khăn. Doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thu đảm bảo cân đối ngân sách địa phương thấp. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách của Trung ương ảnh hưởng đến số thu ngân sách như chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ về thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất...
Với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong năm 2025 phấn đấu đạt 7,7 - 8%; Xây dựng thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Phát triển toàn diện ngành du lịch, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn..., tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư.
Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia vào thị trường. Tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án du lịch trọng điểm; Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh: Năm 2024 tình hình thế giới có nhiều biến động, chưa có tiền lệ khó khăn thách thức, diễn biến thất thường của thời tiết. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND, HĐND đã tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lắng nghe ý kiến nhân dân và bám sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cần có sự nhìn nhận đánh giá lại những kết quả chưa đạt được để từ đó khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Thông qua kỳ họp, cần nhanh chóng thông qua các nghị quyết có tính khả thi nhất khi đưa vào cuộc sống của doanh nghiệp, cử tri và nhân dân. Đề nghị đánh giá sát kết quả đạt được, những tồn tại khó khăn điểm nghẽn việc triển khai các nghị quyết đã thông qua.
Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt, phát huy tinh thần trách nhiệm nêu những điểm nghẽn khó khăn cần được quan tâm giải quyết. Những cá nhân được chất vấn phải đưa ra giải pháp trước cử tri và HĐND. Nâng cao chất lượng giám sát kết quả nguyện vọng chính đáng của cử tri. Các đại biểu tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng giải quyết hiệu quả vấn đề phát sinh trong việc thực hiện lời hứa trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Phương LoanVNDirect dự báo thị trường sẽ cải thiện về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân cả năm 2025 sẽ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.