Lạng Sơn: Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và chính sách ưu đãi người có công

Địa phương
09:21 AM 26/07/2022

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Cùng với sự hưởng ứng của toàn xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

LẠNG SƠN: THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG - Ảnh 1.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Những năm qua, hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng luôn được quan tâm sửa đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và mức sống của đại bộ phận nhân dân. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc thực hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần động viên tinh thần, giảm bớt khó khăn, làm nguôi ngoai dần những đau thương, mất mát của gia đình và bản thân những người có công với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm không ngừng nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng trong giai đoạn mới.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang quản lý hồ sơ của trên 33.000 người có công, trong đó: 5.644 liệt sỹ, 2.633 thương binh, bệnh binh, 207 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng, 363 cán bộ lão thành cách mạng, 425 cán bộ tiền khởi nghĩa, 10 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 151 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 23 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; 126 người có công giúp đỡ cách mạng, 876 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam,... 

Hàng tháng, tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 3.900 đối tượng người có công với số tiền chi trả hơn 7 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến năm 2022, tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng cho 35.245 người tham gia kháng chiến, với kinh phí là 74.570 triệu đồng. 

Trong đó: trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng cho 1.519 người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 5.222 triệu đồng; trợ cấp một lần cho 89 quân nhân tham gia Kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã xuất ngũ về địa phương theo quyết định  số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí là 663 triệu đồng; trợ cấp một lần cho 33.637 dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 68.685 triệu đồng. 

Bên cạnh đó tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng như: trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở. 

Về công tác chăm sóc người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm chăm sóc đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người có công, đặc biệt là các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn. 

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực như: tổ chức các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà, tổ chức phát động ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tổ chức đưa người có công đi thăm lại chiến trường xưa, đưa thân nhân liệt sĩ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công.

LẠNG SƠN: THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG - Ảnh 2.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thăm và tặng quà gia đình chính sách và người có công trên địa bàn tỉnh.

Các phần quà của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được chuyển đến tay đối tượng chính sách được hưởng kịp thời, chính xác tới 88.636 lượt người có công và thân nhân với tổng kinh phí là 20.942 triệu đồng, chuyển quà tặng của Chủ tịch UBND tỉnh đến 89.001 lượt người có công và thân nhân với tổng kinh phí là 42.870 triệu đồng; các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức, thành lập các đoàn trực tiếp đi động viên, thăm hỏi, tặng quà người có công với trên 8.470 suất quà, kinh phí là 3.964 triệu đồng. 

Các cơ quan, đơn vị phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh cho trên 5.000 lượt người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Vận động, huy động các chiến sĩ bộ đội biên phòng, đoàn viên thanh niên giúp đỡ các gia đình chính sách gặt lúa, trồng màu, canh tác... 

Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" toàn tỉnh thu được trên 8.235 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa 128 nhà cho người có công, với kinh phí là 5.166 triệu đồng; tặng 242 sổ tiết kiệm với kinh phí là 361 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có hộ người có công ở nhà tạm, nhà dột nát, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở của hộ người có công được tỉnh đặc biệt quan tâm. 

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 4.246 hộ, trong đó: 1.939 hộ xây mới và 2.308 hộ sửa chữa, tổng kinh phí chi từ ngân sách Trung ương là 119.689 triệu đồng. Trong 02 năm 2021 - 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở đối với 1.202 hộ người có công, trong đó xây mới: 454 hộ, sửa chữa 748 hộ, tổng kinh phí là 33.120 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh; đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn hộ người có công phải ở nhà tạm, nhà dột nát. 

Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công và thân nhân được quan tâm, 100% người có công với cách mạng không hưởng lương và bảo hiểm xã hội đều được mua thẻ bảo hiểm y tế; được hưởng trợ cấp mai táng phí, trợ cấp một lần khi từ trần. Giai đoạn 2017 - 2022, đã thực hiện điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho 8.438 lượt người có công và thân nhân, tổng kinh phí là 13.730 triệu đồng. 

Tỉnh hiện có 1 Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm thực hiện chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, điều dưỡng tập trung cho các đối tượng là người có công với cách mạng.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và công tác xây dựng, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được các cơ quan chức năng của tỉnh chủ động triển khai thực hiện; đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử về tìm kiếm thông tin liệt sĩ trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đến nay có trên 90.000 lượt truy cập.

Hoàn thành giải mã phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; cơ bản hoàn thành việc rà soát hoàn thiện hồ sơ danh sách liệt sĩ thuộc đơn vị và địa phương quản lý được 1.219 liệt sĩ; tổ chức xác minh, kết luận được 480 liệt sĩ đã được quy tập vào trong các nghĩa trang của tỉnh; hiện đang xác minh 739 mộ liệt sĩ chưa có thông tin hoặc có một phần thông tin; quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh; cung cấp thông tin về 772 mộ liệt sĩ cho 31 tỉnh, thành phố có liệt sĩ đang an táng trong các nghĩa trang của tỉnh; cung cấp trích lục thông tin liệt sĩ cho trên 400 lượt thân nhân; tỉnh đã chuẩn hóa thông tin của 5.127 liệt sĩ; 2.859 mộ liệt sĩ do tỉnh quản lý lên trang thông tin cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung vốn để thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ một số huyện trên địa bàn. 

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, nhằm thiết thực Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56/KHUBND ngày 17/3/2022 tổ chức các hoạt động, trong đó xây dựng 13 chương trình, hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, đến thời điểm báo cáo đã triển khai một số hoạt động như: tổ chức đưa 36 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ đi thăm chiến trường xưa, thăm, viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị; tổ chức đưa 28 đại biểu người có công tiêu biểu về thăm Thủ đô Hà Nội, gặp mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thăm viếng khu di tích lịch sử Đá Chông K9; tổ chức phát động vận động, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" 

LẠNG SƠN: THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG - Ảnh 3.

Đoàn viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ chăm sóc phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn Ảnh: Báo Lạng Sơn

 kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", các chương trình tình nghĩa tiếp tục được duy trì, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực; phong trào toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, làm nên nét đẹp, tính nhân văn sâu sắc của văn hoá, con người Việt Nam.

Hoàng Chiến
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.