Lãnh đạo Hà Nội sẽ gọi điện kiểm tra các trạm y tế lưu động trong dịp Tết
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận huyện, xã phường, các tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động phải có danh sách, số điện thoại báo cáo thành phố. Trong dịp Tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện kiểm tra từng tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động trong Tết Nguyên đán.
Sáng 26/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu các quận, huyện đến xã, phường phải cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà lưu ý các ca mắc vẫn tăng cao, trong đó số ca mắc cộng đồng khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại thành phố sẽ tăng cao hơn nữa, do giao lưu, giao thương của người dân trong dịp này lớn sẽ tạo điều kiện cho dịch bùng phát.
Ngành y tế đã xây dựng các phương án phòng chống sự lây lan của biến chủng mới, trong đó đảm bảo được mục tiêu là giảm tỉ lệ chuyển tầng, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong. Ngành y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng.
Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị quận huyện đảm bảo tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế…
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá, những ngày qua, bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các lực lượng ở cơ sở đã chuyển động mạnh mẽ và đạt được kết quả rõ nét như: Kiểm soát điều trị, chuyển tầng ở mức tốt; nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được triển khai…
Nhắc về lực lượng tuyến đầu với nhiều vất vả khó khăn, hy sinh thầm lặng, ông Chu Ngọc Anh nêu việc Thủ đô đi đầu cả nước trong việc có cơ chế hỗ trợ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhắc nhở, việc giải ngân hỗ trợ ở các quận huyện đang làm tốt nhưng cấp thành phố vẫn còn thấp.
“Ngay ngày mai, các cấp từ thành phố tới địa phương phải khẩn trương triển khai, đảm bảo tiền hỗ trợ đến với tuyến đầu kịp thời trước Tết”, ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo.
Với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ 8 phần việc cần chú trọng. Trong đó, các đơn vị cần liên tục cập nhật số liệu về tiêm vét: Người cao tuổi chưa tiêm, người từ chối tiêm, số liệu trẻ em 5 đến 11 tuổi để chuẩn bị tiêm; Rà soát bổ sung lực lượng phòng chống dịch dịp Tết.
Ông Chu Ngọc Anh nhắc lại yêu cầu các quận huyện đến xã phường phải cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ COVID cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.
“Trong các ngày trực tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng” - ông Chu Ngọc Anh nói.
Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở các đơn vị bám sát chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tiêm vaccine xuyên tết, thực hiện an toàn, hiệu quả. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương để đảm bảo điều trị kịp thời cho các bệnh nhân COVID-19.
Chuẩn bị cho việc đón học sinh lớp 7 trở lên quay trở lại trường từ 8/2, Chủ tịch UBND các quận huyện cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án để đảm bảo tuyệt đối an toàn. Các quận huyện cũng cần chủ động phương án, kịch bản cụ thể, có lộ trình, để sẵn sàng cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học quay lại trường; Quan tâm việc kiểm soát, hạn chế tập trung đông người, thực hiện 5K thực chất.
“Cần tập trung cao độ trong 2 phần việc: tiếp tục phát huy điểm sáng về đảm bảo an sinh xã hội và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo”, Chủ tịch UBND TP nói.
HM (T/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.