Lãnh đạo Việt Nam sẽ gửi thông điệp đến Đại hội đồng Liên hợp quốc

Chính trị - xã hội
10:56 AM 21/09/2020

Với vai trò một thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc nhiều năm qua, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp quan trọng gửi đến các hội nghị trong khuôn khổ tuần lễ Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Từ ngày 21/9 đến 2/10/2020, tuần lễ Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ gửi thông điệp đến "Phiên thảo luận chung Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc". Trước đó, ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gửi thông điệp đến "Phiên kỷ niệm Cấp cao 75 năm thành lập Liên hợp quốc". Ngày 1/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ gửi thông điệp đến "Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về phụ nữ lần thứ IV". Ngày 2/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ gửi thông điệp đến "Phiên Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân".

Lãnh đạo Việt Nam sẽ gửi thông điệp đến Đại hội đồng Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Thông điệp chào mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) ngày 8/9 - Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thông điệp đến Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cùng với thông điệp của các lãnh đạo cấp cao khác, sự kiện đặc biệt này khẳng định sự coi trọng, quan tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với vai trò của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới trong xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực.

Từ nhiều năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được xem là một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động" của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức này ở cấp độ quốc gia. Vì thế, Liên hợp quốc cũng ca ngợi Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển.

Với những đóng góp hiệu quả, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và để lại nhiều dấu ấn nổi bật tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Nhấn mạnh vai trò của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam đã tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu, giờ đây thể hiện vai trò ngày càng năng động hơn và bắt đầu đóng góp cho Liên hợp quốc, kể cả nguồn lực.

Năm 2020, tận dụng tốt "vai trò kép" là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công phiên họp của Hội đồng Bảo an về hợp tác Liên hợp quốc - ASEAN, thường xuyên đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề quốc tế. Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy một số chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên nhằm phát huy những đóng góp tại Hội đồng Bảo an trên tinh thần ngăn ngừa xung đột, tái thiết hậu chiến tranh, thúc đẩy hòa bình…

Đánh giá cao vai trò của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1977. Những đóng góp của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong củng cố hoạt động của Liên hợp quốc và thể hiện sự ủng hộ lớn lao với nền hòa bình bền vững trên toàn cầu.

T. Thủy
Ý kiến của bạn