Lào Cai: Bàn giải pháp phát triển cây quế bền vững trên địa bàn

Địa phương
09:01 AM 30/09/2022

Ngày 24/9 vừa qua, tại huyện Bảo Yên, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phát triển quế bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chủ trì Hội thảo có Đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Dương Đức Huy - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Anh Chuyên - Bí thư Huyện ủy Bảo Yên; Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

UBND Tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phát triển quế bền vững trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng đại diện một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh quế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cây Quế bắt đầu được đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh cách đây gần 50 năm bởi các dân tộc thiểu số (chủ yếu người Dao) tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng.

Đến nay, cây quế đã và đang phát triển mạnh, được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh với tổng diện tích đạt trên 53.300 ha, trong đó vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp của tỉnh (Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng) là 48.582 ha.

Qua điều tra, nghiên cứu cho thấy, toàn bộ quế của tỉnh Lào Cai được trồng cùng một giống là Cinnamomum cassia L.J.Presl.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 nhà máy, 1 hợp tác xã chế biến tinh dầu quế và 1 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã thu mua vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu không nhiều, còn lại người dân chủ yếu tự sơ chế, bảo quản và bán cho các tiểu thương nên giá thành thường thấp.

Trong năm 2022 có 2 công ty đã được chấp thuận chủ trương nghiên cứu xây dựng 3 nhà máy chế biến tinh dầu quế tại huyện Bảo Thắng và Bắc Hà. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến dao động từ 60 đến 120 tấn tinh dầu/năm/1 nhà máy. Trung bình sản lượng tinh dầu quế của tỉnh hàng năm đạt từ 350 đến 400 tấn. Hiện, 85% sản lượng tinh dầu quế của tỉnh được xuất bán ra thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...

Nhằm thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu quế, nâng cao giá trị các sản phẩm sau chế biến, UBND tỉnh đã thực hiện các chính sách của Trung ương về đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời, tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ về các nội dung như: Sản xuất quế hữu cơ ở Việt Nam; Thông tin điều kiện xuất khẩu quế và định hướng thị trường xuất khẩu quế; Nghiên cứu đánh giá thị trường quế; Bài học kinh nghiệm trong sản xuất quế hữu cơ… Hội thảo cũng đã được nghe ý kiến tham gia, chia sẻ về định hướng, vấn đề trọng tâm, kinh nghiệm sản xuất và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với ngành hàng quế của tỉnh Lào Cai của các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, của tỉnh Yên Bái và tâm tư, nguyên vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người sản xuất quế.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Quế là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh. Tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Trong năm 2023, sẽ kêu gọi các tổ chức nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng mới cấp chứng chỉ hữu cơ 7.500 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2030, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ nguồn lực, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển xây dựng các chuỗi liên kết, khép kín, tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao.

Tỉnh Lào Cai cam kết có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất ngành hàng quế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư tại Lào Cai; đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng quế theo hướng hữu cơ, chỉ dẫn địa lý. Đảm bảo vùng nguyên liệu dồi dào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm quế của tỉnh.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn
Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng

Giá cà phê những ngày đầu tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho doanh nghiệp thu mua và gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.