Lào Cai: Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025”

Địa phương
06:59 PM 18/03/2022

Nhằm triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025” đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả; UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về việc thực hiện Đề án trong năm 2022.

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các huyện, thị xã, thành phố để được chứng nhận OCOP. Đánh giá lại các sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng theo quy định. Triển khai xây dựng và phát triển các làng, bản, điểm du lịch nông thôn. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Củng cố ít nhất 12 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiềm năng thế mạnh của các địa phương; trong đó phát triển thêm ít nhất 7 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên hợp tác xã, công ty cổ phần.

Lào Cai: Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025”  - Ảnh 1.

Sản phẩm Mận tam hoa Bắc Hà của Lào Cai

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Lào Cai tiếp tục triển khai chu trình OCOP thường niên như: Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; đăng ký ý tưởng và duyệt ý tưởng sản phẩm năm 2022; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2022; tổ chức thẩm định thực tế tại các cơ sở sản xuất sản phẩm do cấp huyện đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng; lấy mẫu kiểm định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho các sản phẩm đạt 50 điểm trở lên theo quy định; trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt sao OCOP; kiểm tra các cơ sở sản xuất, sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP năm 2021.

Lào Cai: Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025”  - Ảnh 2.

Lào Cai phấn đấu tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Ảnh: baolaocai)

Cùng với đó, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức đào tạo cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; tập huấn triển khai chu trình OCOP cho cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản; hỗ trợ hoàn thiện 6 nhãn hiệu sở hữu trí tuệ sản phẩm tham gia chu trình OCOP đã được phê duyệt năm 2019 - 2020; hỗ trợ bổ sung Logo OCOP cho sản phẩm được công nhận năm 2022, xây dựng tiêu chuẩn tiên tiến cho các sản phẩm tiềm năng 5 sao OCOP, xây dựng biển chỉ dẫn, giới thiệu vùng nguyên liệu trọng điểm liên kết sản xuất sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh; hỗ trợ chuyển đổi số, quảng bá xúc tiến thương mại điện tử, xây dựng website cho chủ thể có sản phẩm đạt sao năm 2020 - 2021.

Theo đó, để xây dựng thương hiệu và từng bước nâng tầm giá trị quả dứa ở Bản Lầu, huyện Mường Khương cũng đang chuẩn bị hồ sơ để trong tháng 4 các ngành hữu quan xem xét công nhận dứa quả Bản Lầu đạt sản phẩm OCOP của địa phương.

Diệu Ly
Ý kiến của bạn