Lào Cai: Bảo vệ an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững
Là tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng liên quan đến nhiều địa phương, lĩnh vực, trong đó có an ninh nguồn nước, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ an ninh nước đầu nguồn.
Lào Cai là tỉnh có số lượng sông suối rất lớn, theo thống kê, hiện tại, tỉnh Lào Cai có 5 sông suối liên quốc gia, 8 sông suối liên tỉnh. Trong các sông liên quốc gia chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai, sông Hồng là sông có vai trò rất quan trọng về vấn đề an ninh nguồn nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, cùng với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ... tỉnh Lào Cai đã chủ động, tích cực đề xuất với các bộ, Chính phủ về vấn đề thành lập Ủy ban Sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của các tỉnh liên quan cũng như 2 quốc gia Việt Nam - Trung Quốc.
UBND tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung an ninh nguồn nước hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Từ năm 2020 đến nay, phía Trung Quốc đã cung cấp thông tin về lưu lượng, lượng mưa của sông Hồng với tần suất 2 lần/ngày vào các tháng của mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).
Theo đó, khi nói về vấn đề an ninh nguồn nước là phải nói đến trữ lượng và chất lượng của nguồn nước. Vấn đề an ninh nguồn nước sông Hồng đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rất quan tâm, chú trọng đầu tư để nắm bắt sức sống của nguồn nước sông Hồng như: Xây dựng Trạm thủy văn Cốc Lếu để đo lưu lượng của nguồn nước; trạm quan trắc nước sông xuyên biên giới tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai vận hành năm 2009, để kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước…
Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Lào Cai đã thường xuyên, liên tục theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước sông Hồng; định kỳ đánh giá chất lượng nước sông Hồng. Khi xảy ra các hiện tượng bất thường, chủ động báo cáo Bộ TN&MT cùng các tỉnh hạ du sông Hồng để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Được biết, hoạt động công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến hóa chất là những hoạt động thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, hoạt động này khó tránh khỏi các nguy cơ ô nhiễm môi trường, làm suy giảm chất lượng nguồn nước.
Do vậy, thời gian qua, nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để buộc các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung và yêu cầu các doanh nghiệp kết nối để thu gom xử lý nước mặt chảy tràn; đầu tư 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh để theo dõi, cảnh báo các chỉ tiêu thông số khí thải tiệm cận ngưỡng hoặc vượt ngưỡng để có cảnh báo và quy trách nhiệm cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian tới, để công tác bảo vệ an ninh nguồn nước đạt được hiệu quả cao nhất đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Lào Cai tiếp tục đề nghị thành lập Ủy ban Sông Hồng Việt Nam. Đây sẽ là cơ quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng.
Đề nghị các địa phương và các ngành liên quan chủ động tham mưu cho Bộ TN&MT và Chính phủ thông qua con đường ngoại giao, đàm phán với nước bạn Trung Quốc trao đổi thông tin, giải pháp liên quan đến nguồn nước của sông Hồng, sông Chảy như: Lưu lượng, chất lượng, các hoạt động khai thác, sử dụng nước thượng lưu sông Hồng, sông Chảy.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đã đề nghị Bộ TN&MT quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp trạm quan trắc nước sông Hồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước; kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước…
Diệu LyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.