Lào Cai: Chủ động trong công tác giảm nghèo bền vững

Địa phương
07:19 PM 21/03/2022

“Trên phải kịp thời, dưới phải chủ động” khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, “Đi cùng và đi trước", không chờ kế hoạch cụ thể từ cấp trên, đó là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Với quan điểm chỉ đạo "Đi cùng và đi trước", Lào Cai đã chủ động điều hành có hiệu quả các chính sách liên quan đến giảm nghèo; tích cực triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới... tạo bước đột phá trong giảm nghèo và xây dựng nền tảng bền vững để tiến tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Thực tế cho thấy, mục tiêu nhất quán và có tính đổi mới, kế thừa trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã luôn hướng mạnh vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho vùng "lõi nghèo". Nhờ đó, việc giảm nghèo tại địa phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Lào Cai: Chủ động trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Cán bộ hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trồng cây ăn quả

Nếu năm 2015, Lào Cai có 18.925 hộ nghèo, chiếm 12,11% trong tổng số hộ thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân gần 4%/năm. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cả nước của Lào Cai bình quân giảm 8,6%/năm, vượt mục tiêu của Chính phủ là giảm 4%/năm.

Mường Khương là một trong ba huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của tỉnh Lào Cai. Với địa hình có 80% diện tích đất tự nhiên là đồi, núi, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện hướng mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa để giảm nghèo bền vững. Huyện tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa được ưu tiên, nhất là cây ăn quả, từng bước hình thành vùng sản phẩm cây ăn quả với các cây đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi... Qua đó, huyện đã từng bước giảm được tỷ lệ hộ nghèo với mức giảm bình quân đạt 10/% năm và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất tỉnh Lào Cai.

Năm 2022, Lào Cai chính thức triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia này ở giai đoạn 2021-2025. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, dự kiến, tổng số vốn ngân sách Trung ương giao các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai là 6.533 tỷ đồng. Trong số đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 433 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 3.927 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và bền vững có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 2.173 tỷ đồng.

Lào Cai: Chủ động trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ động chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 4,5%. Do đó, địa phương xác định, trong năm nay huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, nhất là xã nghèo, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách triển khai đầy đủ các hợp phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trong điều kiện thời điểm hiện tại, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình của Trung ương đang chuẩn bị ban hành. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương tập trung cho chuẩn bị, đồng thời khẩn trương, sớm triển khai những nội dung đã có đủ căn cứ, điều kiện tiến hành; tập trung xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn ngân sách thực hiện Chương trình; hoàn chỉnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 và riêng năm 2022; đồng thời triển khai thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch năm 2022.

Diệu Ly
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.