Lào Cai: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS

Địa phương
09:21 AM 14/11/2024

Lào Cai là địa bàn vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của đồng bào.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện với đa dạng hình thức như tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật... Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật cho người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Lào Cai: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS- Ảnh 1.

Một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số.

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân DTTS có thêm thuận lợi khi chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn.

Nhiều nội dung có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào được đề cập trong Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”; Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan, đơn vị và địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền và vận động người dân chấp hành pháp luật. Các cấp, ngành đã tổ chức hơn 680 buổi tuyên truyền cho hơn 56.600 lượt người; in ấn các tài liệu phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng tiếng phổ thông, tiếng Mông và tiếng Dao, cùng với các chuyên đề và hội nghị tuyên truyền cho hơn 31.000 người; duy trì 19 mô hình cấp tỉnh và 121 mô hình cấp huyện, xã nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... 

Tại các hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày, phổ biến nội dung Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Qua đó, giúp nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; nội dung chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng từng bước nâng cao nhận thức, cùng góp tiếng nói vào nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ bình yên cuộc sống vùng đồng bào DTTS.

Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật và cải thiện đời sống xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh tuyên truyền tại các hội nghị, các buổi sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, tại các buổi chợ phiên vùng cao ngày càng được quan tâm, thu hút sự tham gia và theo dõi của đông đảo người dân. Nét mới khác là chuyển đổi số được đưa vào công tác này và đang phát huy hiệu quả, như thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến…

Với việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần đưa pháp luật đi sâu vào cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, từ đó đóng góp vào kết quả phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lào Cai thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là ở các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bị hạn chế bởi nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến dưới dạng hình ảnh, Infographic chưa được tích cực khai thác, tổ chức sử dụng... 

Ông Trần Phùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh lại cách thức tuyên truyền cho người dân dễ nhớ, dễ nắm bắt kiến thức; tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung người dân quan tâm để họ tự giác thực hiện. Khi người dân tự giác thực hiện thì việc tuyên truyền pháp luật mới đạt hiệu quả cao.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.