Lào Cai đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
Phát huy thế mạnh của một địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và chất lượng, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chương trình OCOP - Động lực thúc đẩy thế mạnh của địa phương
Lào Cai là tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Do vậy, Chương trình OCOP được nhận định là hướng đi đúng trong phát triển sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường.
Từ khi triển khai, Chương trình OCOP đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ thể tham gia. Đến nay, chương trình đã trở thành phong trào thi đua ý nghĩa giữa các địa phương trong tỉnh, nhận được sự hưởng ứng của người dân và cấp ủy, chính quyền.
Với những cách làm mới, cụ thể, các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương đã có sự phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đến 4 sao; có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã với 266 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử… Có thể khẳng định, nông sản Lào Cai đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Lộ trình vững chắc cho các sản phẩm OCOP
Để nâng tầm các đặc sản của từng vùng quê, biến những đặc sản thông thường thành những sản phẩm có chất lượng, Lào Cai đã tập trung rất cao cho Chương trình OCOP. Trước đây, các loại nông sản được ít người biết đến nhưng đến nay sau khi tham gia OCOP, đã được nhiều người quan tâm hơn. Bên cạnh đó, khi tham gia OCOP, các sản phẩm đã được chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác, thương hiệu từ đó Lào Cai xây dựng lộ trình quảng bá, tiêu thụ.
Các hoạt động hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh đã được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, có chiều sâu, bước đầu đã hình thành đội ngũ cán bộ triển khai chương trình các cấp năng động, nhiệt tình, được đào tạo bồi dưỡng kiến thức đảm bảo năng lực hỗ trợ thúc đẩy các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương.
Tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia như: Tem nhãn, mác bao bì, kiểm nghiệm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ gian hàng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm khu vực phía Bắc tại Lào Cai, thu hút 180 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với hơn 300 gian hàng và các khu trưng bày sản phẩm. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp tích cực với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart…
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm để tăng lợi nhuận cho nông dân, giúp nông dân tin tưởng và quyết tâm thực hiện chương trình. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm đến phát triển sản phẩm 5 sao bởi việc nâng sao và tìm thị trường không chỉ giúp người nông dân được hưởng lợi mà còn giúp nâng cao thương hiệu cho sản phẩm của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa quy trình sản xuất; các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách, quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức cho các địa phương tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài nước nhằm học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy Chương trình OCOP của địa phương phát triển.
Hà Gái - Diệu LyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.