Lào Cai - Điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư

Đầu tư và Tiếp thị
02:25 PM 18/07/2022

Hội tụ nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Lào Cai đã và đang được đánh giá là một điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Không chỉ chú trọng “cải tổ” môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện và minh bạch, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành cũng luôn tích cực, đồng hành trong lộ trình tìm kiếm, xúc tiến những cơ hội đầu tư, kinh doanh tiềm năng vào tỉnh nhà.

Lào Cai - Điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư - Ảnh 1.

Toàn cảnh Thành phố Lào Cai. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Hấp dẫn đa chiều - tạo "quả ngọt" đầu tư

Với phương châm "Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển", chính quyền tỉnh Lào Cai luôn lắng nghe, xem xét nguyện vọng, thực hiện điều chỉnh một số các cơ chế, chính sách sát sườn với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên các lĩnh vực. Do đó, nhà đầu tư đến với Lào Cai sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất về cơ chế, chính sách. Lãnh đạo tỉnh cũng sẵn sàng đối thoại, giải quyết kịp thời, thấu đáo những vướng mắc trong quá trình nhà đầu tư đến triển khai dự án.

Lào Cai - Điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư - Ảnh 2.

Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hàng năm cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Lào Cai có xu hướng cải thiện đáng kể so với những năm trước. Năm 2020, Chỉ số PCI của Lào Cai 64,93 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế khá, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 2/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Nhiều chỉ số thành phần quan trọng của Chỉ số PCI Lào Cai năm 2021 có cải thiện về điểm số, như chỉ số tính năng động của chính quyền đạt 6,48 điểm (năm 2020 đạt 6,3 điểm); chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,23 điểm (năm 2020 đạt 6,97 điểm); thiết chế pháp lý đạt 8,03 điểm (năm 2020 đạt 6,8 điểm)…

Sự cải thiện những chỉ số quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Lào Cai hiện là nơi dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CD, Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY... Giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký đầu tư tại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 USD). Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Một số dự án đã triển khai, đi vào hoạt động hiệu quả như quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa; tổ hợp hệ thống trường liên cấp quốc tế CANADA tại Lào Cai; tổ hợp khách sạn 5 sao Accord; khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao - Silk Path Sapa Resort&Spa… Nhiều dự án đang triển khai, sẽ hoàn thành trong thời gian tới như đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư PPP; danh lam, thắng cảnh quốc gia núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa; khu đô thị mới Bắc Cường 1; khu đô thị mới Bắc Cường 2; đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Bát Xát…

Cùng với thu hút đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài (FDI) được tỉnh Lào Cai xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Chủ trương của tỉnh ưu tiên dự án có chất lượng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị; các dự án chế biến sâu công nghiệp; các dự án phát triển du lịch dịch vụ, nông nghiệp...

Nỗ lực "trải thảm đỏ" trên hành trình mới

Với sự hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài, có thể khẳng định Lào Cai đã và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng tạo động lực thu hút đầu tư, gồm: Đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông đường bộ và điện, trong đó tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng Khu Công nghiệp Bản Qua và Cụm công nghiệp Thống Nhất, Cốc Mỳ; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt - Trung tại khu vực Bản Vược (Bát Xát), cầu Phú Thịnh; sớm hoàn thiện cầu Làng Giàng, đường Kim Thành - Ngòi Phát; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới tại thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà...

Lào Cai - Điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khảo sát địa điểm quy hoạch khu nghỉ dưỡng tại huyện Bắc Hà. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tiếp đón, làm việc, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Lào Cai với các đoàn công tác, các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế, góp phần tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Quan hệ hợp tác với các Đại sứ quán, các cơ quan hợp tác quốc tế, các tổ chức quốc tế được mở rộng và phát triển. Từ đó, tranh thủ vận động, hợp tác và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Đồng thời, chú trọng hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản.

Những thành tựu đạt được trong công tác thu hút đầu tư đã và đang khẳng định sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Lào Cai vào điều kiện thực tế địa phương, cũng như tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Quyết tâm xây dựng Lào Cai sớm trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối, trung tâm phát triển của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước.

Hà Gái - Xuân Quý
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.