Lào Cai: Doanh nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì giá xăng dầu tăng
Giá xăng, dầu tăng liên tục thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, khai thác khoáng sản.
Theo nhận định chung của một số các đơn vị vận tải lớn, với đà tăng giá xăng này, doanh nghiệp khó tránh khỏi việc phải tăng giá cước. Thực tế sau nhiều lần giá xăng trong nước tăng, doanh nghiệp phải gồng mình hoạt động. Với giá xăng cao như hiện nay thì giá vé phải tăng 30% - 35% mới đảm bảo hoạt động, nhưng với mức tăng cao như thế sẽ rất khó để hành khách chấp nhận, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu hành khách đang giảm.
Với giá xăng, dầu hiện tại, chi phí vận hành của các doanh nghiệp vận tải bị đội lên nhiều, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang lựa chọn "gồng gánh" khoản chi phí này để duy trì mức giá cạnh tranh. Nếu xây dựng giá cước tương đương với giá nguyên liệu hiện nay sẽ rất cao, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Vì thế, một số đơn vị đang cân nhắc tăng ở mức thấp, vừa tháo gỡ khó khăn, vừa có mức giá phù hợp để giữ chân khách.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hãng taxi (thành phố Lào Cai 9 hãng, thị xã Sa Pa 3 hãng), với khoảng 800 xe được cấp phù hiệu taxi. Qua hơn 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, số lượng xe giảm rõ rệt, có hãng giảm 40% - 50% xe.
Trong tình hình này, "chạy cũng dở mà không chạy cũng dở". Doanh nghiệp muốn tăng giá cước để bù đắp một phần chi phí và giúp người lao động ổn định thu nhập, nhưng điều này lại ảnh hưởng đến việc giữ chân khách hàng. Cùng với chính sách bình ổn giá của Nhà nước, các đơn vị có tác động đến hoạt động vận tải như quản lý hạ tầng giao thông, đăng kiểm… nên giảm một số khoản phí để chia sẻ khó khăn, giảm áp lực tăng giá vé đối với doanh nghiệp vận tải.
Không chỉ các đơn vị vận tải hành khách đang chịu áp lực lớn từ xăng, dầu tăng giá, mà các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí cho xăng, dầu, mỡ nhờn chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất, vận hành.
Các đơn vị, chi nhánh trực thuộc công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam sử dụng nhiều xe vận tải, các loại máy phục vụ khai thác quặng apatit và vận chuyển cung cấp cho các đối tác, hằng ngày tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu xăng, dầu, mỡ nhờn. Nhiên liệu tăng giá mạnh khiến chi phí phát sinh vài tỷ đồng so với tháng trước đây. Mỗi năm, các đơn vị thuộc công ty tiêu thụ hơn trên 8 triệu lít dầu diesel, dầu nhờn, mỡ. Công ty đã có kế hoạch ký kết đảm bảo nguồn cung nhiên liệu liên tục cho sản xuất, vận hành của các đơn vị, không để xảy ra tình trạng dừng sản xuất hoặc từ chối vận chuyển hàng cho đối tác khi giá nhiên liệu có thể tăng nữa, hoặc khan hiếm nhiên liệu.
Tương tự, tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền - VIMICO mỗi năm tiêu thụ hơn 20 triệu lít xăng, dầu diesel, dầu mỡ nhờn phục vụ cho hoạt động bốc xúc, vận tải, sản xuất, chiếm gần 30% tổng chi phí. Giá nhiên liệu tăng như thời gian vừa qua đang là áp lực về duy trì sản xuất cũng như giảm doanh thu, lợi nhuận. Chi nhánh sẽ tập trung cho giải pháp tăng được năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, mục tiêu đảm bảo thu nhập của gần 1.200 lao động ở mức tốt nhất và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước các khoản thuế.
Với việc chịu khó khăn kép từ giá xăng, dầu tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài nỗ lực của từng doanh nghiệp, rất mong các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm, giãn thuế, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và cần có hỗ trợ của Chính phủ trong việc giảm thuế, phí.
Diệu LyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.