Lào Cai: Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân đồng bào DTTS

Địa phương
11:00 AM 22/11/2024

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng công tác truyền thông chính sách, chia sẻ kiến thức pháp luật,... coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, miền núi biên giới phía Bắc với 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm hơn 66%. Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận.

Lào Cai: Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân đồng bào DTTS- Ảnh 1.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc thăm hỏi bà con xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, để Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 43 của Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đi vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động số 127 nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. 

Trên cơ sở kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn tỉnh.

Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-HĐPH ngày 23/01/2024, hướng dẫn các sở, ban ngành và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện ban hành kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các nội dung tuyên truyền tập trung vào các luật mới được thông qua trong năm 2023 và 2024 như Luật Đất đai 2024, Luật Căn cước 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024, Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) 2023,... Công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức như đăng tải thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, biên soạn tài liệu tuyên truyền, xây dựng các bản tin, chương trình phóng sự pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tổ chức hội nghị, và các phiên tòa giả định.

Từ đầu năm tới nay, tỉnh đã tổ chức 8.691 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật cho 865.598 lượt người, 7 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 8.066 lượt người tham dự, biên soạn phát hành 62.326 tài liệu tuyên truyền pháp luật. Tổng kinh phí dành cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật hơn 5 tỷ đồng.

Phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, các ngành như Tư pháp, Biên phòng, Dân tộc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao, và Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, và biên giới. 

Trong quá trình đó, mỗi người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một chiến sĩ dân vận trên không gian mạng bằng việc kết nối, gắn kết với cán bộ, người lao động nơi công tác, nhân dân nơi cư trú tạo kênh liên kết chặt chẽ, gần gũi, chân thành, từ đó thông qua những lời nói, việc làm cụ thể để người dân hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước trong tình hình mới.

Công tác dân vận đối với ĐBDTTS ở Lào Cai tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đặc biệt chú trọng giới thiệu, lan tỏa các mô hình dân vận khéo, các gương người tốt việc tốt, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân trên mạng xã hội để người dân biết, học tập, làm theo; đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội.

Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, tuyên truyền trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng.

Trong quá trình thực hiện công tác dân vận, tỉnh Lào Cai xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thông tin đối ngoại vùng ĐBDTTS và miền núi có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của ĐBDTTS, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Xây dựng và duy trì nhiều mô hình điểm, hàng trăm câu lạc bộ về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số”, “Tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng, chống mua bán người”; “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”; “Phụ nữ với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mẹ và con gái”...

Trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các ấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Trong các giải pháp thực hiện công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung vào đổi mới nội dung và phương thức vận động nhân dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương; lợi ích, trình độ và khả năng của các tầng lớp xã hội. Xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Xây dựng phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn