Lào Cai: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Lào Cai đã phê duyệt xây dựng 117 điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Lào Cai xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Những năm qua, bằng các chính sách dân tộc, các thôn xóm ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh Lào Cai đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống của nhân dân. Hàng năm, tỉnh Lào Cai ưu tiên dành dành 65-70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình nông thôn mới, tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề cho con em DTTS để có thu nhập cao hơn.
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.
Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định, UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt 117 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, từ năm 2023 đến năm 2025, Lào Cai có 69 xã thuộc khu vực III, 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng.
Cụ thể: TP. Lào Cai có 3 điểm tại Xã Hợp Thành; Xã Tả Phời; Xã Thống Nhất. Huyện Si Ma Cai có 7 điểm; Huyện Bảo Yên có 14 điểm; Huyện Bắc Hà 18 điểm; Huyện Bát Xát 19 điểm; Huyện Mường Khương có 15 điểm; Thị Xã Sa Pa có 14 điểm; Huyện Văn Bàn có 17 điểm; Huyện Bảo Thắng có 10 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin.
Các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tập trung hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kiến thức về đảm bảo an ninh, trật tự...
Điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng rộng theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Yêu cầu cơ bản về vị trí các điểm là có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; thuận tiện cho người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ...
UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt danh mục và số lượng, cấu hình kỹ thuật các loại thiết bị được đầu tư tại mỗi điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; không đầu tư trùng lặp với thiết bị đã được đầu tư từ các nguồn kinh phí khác và đang hoạt động ổn định; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý hoạt động tại các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo không trùng lặp với các thiết bị đã được đầu tư từ các nguồn kinh phí khác và đang hoạt động ổn định. Địa điểm đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin quy định theo Điều 9 Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước đó, để giảm nghèo về thông tin, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, Mobifone, FPT và Vietnammobile) cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.
Thời gian tới, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.
Việt DũngVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.