Lào Cai khởi động hội chợ quảng bá các sản phẩm OCOP
Với quy mô 2 khu triển lãm và 318 gian hàng, trong 5 ngày (từ 22 - 26/10/2020), Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc sẽ được Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Lào Cai, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Kim Thành, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Hội chợ đa sắc màu
Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng sao, hàng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam chất lượng cao, uy tín trên thị trường, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Bên cạnh đó, hội chợ hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến 2030, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố phía Bắc quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 8/10, ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản Lào Cai, ngoài các sản phẩm OCOP của Lào Cai và các tỉnh phía Bắc, hội chợ còn có trên 20 doanh nghiệp, HTX đến từ các tỉnh Tây Nguyên đăng ký tham gia, góp phần làm đa dạng các sắc màu sản phẩm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ hội chợ, sẽ có 3 đoàn tham quan, khảo sát một số điểm du lịch, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Bắc Hà, thị xã SaPa và Tp. Lào Cai được tổ chức.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Agritrade, cho biết, tại hội chợ, sẽ diễn ra Diễn đàn tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu. "Đó là cơ hội lớn mở rộng thị trường sản phẩm cho các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, HTX trong khu vực phía Bắc. Các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất giống, chế biến, bảo quản, đóng gói, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến… Từ đó, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào các sản phẩm OCOP, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ", theo ông Hồ.
Về bảo đảm an toàn cho hội chợ trước dịch bệnh Covit-19, tại cuộc họp báo, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết, hội chợ tổ chức vào thời điểm thuận lợi khi dịch Covit - 19 đang chủ động kiểm soát tốt ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, với tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Ban Tổ chức đã lên các phương án huy động lực lượng chuyên trách y tế, an ninh của tỉnh sẽ thực hiện trực chốt đảm bảo an toàn cho người tham gia hội chợ.
Hội chợ lần này mặc dù không mời được các doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp sang tham gia, nhưng vẫn có sự tham gia của các đại lý và đại diện Trung Quốc tại Việt Nam. Như thế, khi các doanh nghiệp, HTX trong nước tham gia hội chợ vẫn có cơ hội kết nối, thúc đẩy giao thương hàng hóa, nông sản giữa hai nước Việt - Trung.
Biến khó khăn thành lợi thế
Theo ông Lê Tân Phong, chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp về chất lượng cũng như vị thế cho sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, Lào Cai đã có 52 sản phẩm OCOP, trong đó 51 sản phẩm 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đang trình công nhận sản phẩm đạt 5 sao. Tỉnh cũng đang hoàn thiện thêm khoảng 20 sản phẩm, nhằm dự kiến đến cuối năm 2020 Lào Cai phấn đấu có trên 70 sản phẩm đạt chứng nhập OCOP.
Lào Cai là tỉnh miền núi với địa hình chia cắt phức tạp, có nhiều vùng tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt. Trong cái khó về nhiều mặt đó, Lào Cai đặt ra mục tiêu biến khó khăn thành lợi thế, phát triển các sản phẩm đặc thù, bản địa rất riêng của tỉnh, cũng như bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hoá các dân tộc. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để khai thác các tiểu vùng khí hậu trở thành lợi thế, khắc phục những hạn chế về tài nguyên đất đai. Do đó, Lào Cai nhanh chóng có được nhiều sản phẩm OCOP.
Theo ông Lê Tân Phong, với trình độ canh tác lạc hậu nhưng lại có lợi thế để Lào Cai phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh có thể đón đầu đi trước các địa phương khác trong việc tiếp cận sản xuất hữu cơ nhanh hơn. Chỉ cần tổ chức lại sản xuất, giúp cho người sản xuất điều chỉnh cách thức sản xuất thì sẽ nhanh chóng tiếp cận với nền nông nghiệp hữu cơ hơn các địa phương khác.
Điển hình tỉnh có sản phẩm chè hữu cơ được trồng ở độ cao trên 800 m đang được xuất khẩu ổn định sang thị trường EU. Đây cũng là sản phẩm tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao.
Trên nền tảng các sản phẩm OCOP tỉnh sẽ đầu tư quy hoạch các vùng trở thành có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh cho chế biến. Hiện, tỉnh đang xây dựng nhà máy chế biến chuối, dứa tại huyện Mường Khương gắn với vùng nguyên liệu 500 ha. Những ngành hàng ưu tiên phát triển sẽ khai thác được lợi thế của tỉnh như: giống lúa bản địa có giá trị rất cao, cây dược liệu, rau hoa trái vụ, cây ăn quả gắn với OCOP hoặc với nhà máy chế biến, chè, cá nước lạnh…. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho các sản phấm. Với địa hình, khí hậu như vậy, Lào Cai sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm cây trồng rau màu trái vụ, đây được xem là lợi thế của tỉnh.
Nhiều sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc… với các sản phẩm như chè, chuối, dứa, tương ớt… Các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được tỉnh quảng bá, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Lưu ĐoànCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.