Lào Cai: Ngành công thương đẩy mạnh chuyển đổi số

Địa phương
03:03 PM 30/05/2022

Được coi là xu thế cũng như con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để Lào Cai tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, chương trình chuyển đổi số tại ngành Công thương Lào Cai đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo đó, ngành Công thương tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh ban hành các quy chế, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng chữ ký số, hệ thống văn bản điều hành điện tử... Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm của sở luôn xếp loại khá; chỉ số tiếp cận và tìm hiểu các thông tin, văn bản hướng dẫn, tải các mẫu biểu để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý của sở được đánh giá tốt nhất.

Để triển khai chính quyền điện tử như giải quyết thủ tục hành chính, ngành Công thương đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; triển khai hệ thống điều hành, xử lý hồ sơ, văn bản điện tử, tích cực hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với nền kinh tế số.

Các đơn vị thương mại, dịch vụ đã tích cực số hóa bằng hình thức thương mại điện tử, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay, 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 85% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đưa sản phẩm, dịch vụ lên môi trường số; 100% doanh nghiệp thương mại dịch vụ có mạng lan, kết nối internet băng thông rộng…

Lào Cai: Ngành công thương đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Công thương nắm bắt hoạt động của Nhà máy Luyện đồng Bản Qua. (Ảnh Báo Lào Cai)

Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành, kinh doanh xăng, dầu, khí hóa lỏng đã hình thành các tiện ích, trang - thiết bị hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán trực tuyến, không sử dụng tiền mặt. Doanh nghiệp xuất - nhập khẩu khai báo thủ tục hải quan, khai báo thuế, kiểm dịch động - thực vật, y tế quốc tế theo hình thức điện tử...

Đồng thời, ngành Công thương Lào Cai đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại của tỉnh và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước theo chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến" và "Tuần lễ nông sản" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương trên môi trường số thông qua các hội nghị trực tuyến kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản của các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ; hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu giao thương và hội đàm hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở dịch vụ trong lĩnh vực ngành như siêu thị, cửa hàng xăng, dầu, bước đầu hình thành các tiện ích, trang - thiết bị hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán trực tuyến, thanh toán quẹt thẻ, sử dụng hóa đơn điện tử... Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bảo hộ nhãn hiệu các loại hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp… góp phần đem lại niềm tin cho khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thủy điện; ngành Công thương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ nhằm chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh như phân bón, phốt pho vàng, đồng... Hỗ trợ chính sách khuyến công để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư trang - thiết bị sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn…

Để thực hiện hiệu quả Quyết định 1634 ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Công thương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với những mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Đối với nội dung phát triển chính quyền số là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành, đưa chuyển đổi số là thành phần quan trọng trong tham mưu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương kết nối, tích hợp, chia sẻ hệ thống thông tin dữ liệu dùng chung của tỉnh qua nền tảng LGSP (Local Government Service Platform) để phục vụ hiệu quả công tác điều hành, quản lý, hoạch định chính sách trong lĩnh vực ngành; ứng dụng công nghệ số để giải quyết các thủ tục hành chính công, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lào Cai: Ngành công thương đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 2.

Lào Cai phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử

Với phát triển kinh tế số, lấy nền tảng doanh nghiệp, người dân làm trung tâm để phục vụ, hỗ trợ, trong đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử với mục tiêu: 100% doanh nghiệp lớn, 50% doanh nghiệp nhỏ, 50% hợp tác xã được hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; 100% dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xăng, dầu, vệ sinh môi trường...) thanh toán qua môi trường điện tử; 100% sản phẩm OCOP của Lào Cai được cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực ngành công thương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng chủ lực, kết nối trực tuyến giữa hoạt động sản xuất và hoạt động phân phối của Lào Cai nói riêng và của các tỉnh, thành trong cả nước nói chung; hỗ trợ cơ chế, chính sách đối với các dự án, khu công nghiệp đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại…

Những "mốc son" rạng rỡ mà ngành Công thương đạt được trong chương trình Chuyển đổi số sẽ là nền tảng, động lực góp phần quan trọng vào thành công của Đề án chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Xuân Quý - Hà Gái
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.