Lào Cai: Nhiều hoạt động ý nghĩa giúp người dân biên giới thoát nghèo

Địa phương
08:39 PM 31/12/2023

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, khẩu hiệu đó được Bộ đội Biên phòng Lào Cai hiện thực bằng hành động cụ thể như giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu, mang cái chữ đến với bản làng, cùng góp sức xây dựng bản làng giàu đẹp...

Lào Cai có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc với 25 dân tộc cùng sinh sống. Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài 182,086 km với 317 thôn, tổ dân phố thuộc 26 xã, phường, thị trấn của 4 huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và TP. Lào Cai.

Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trịnh Tường đến thăm và động viên gia đình anh chị Sùng A Lù – Thào Thị Sềnh ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai trong niềm vui phấn khởi của gia đình khi đã có ngôi nhà mới khang trang do Cấp ủy, chính quyền xã cùng Đồn Biên Phòng Trịnh Tường giúp đỡ.

Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trịnh Tường đến thăm và động viên gia đình anh chị Sùng A Lù – Thào Thị Sềnh ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai trong niềm vui phấn khởi của gia đình khi đã có ngôi nhà mới khang trang do Cấp ủy, chính quyền xã cùng Đồn Biên Phòng Trịnh Tường giúp đỡ.

Để không người dân nào bị bỏ lại phía sau

Thời gian qua, bên cạnh triển khai các hoạt động bảo vệ biên cương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình, phong trào, sáng kiến giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói vươn lên làm giàu với mục tiêu "không để người dân nào bị bỏ lại phía sau".

Chỉ tính trong năm 2023, các đơn vị đã tham gia giúp dân hơn 2.012 ngày công phát triển sản xuất, làm 13 km đường giao thông nội thôn, sửa chữa 3 km kênh mương thủy lợi, làm mới 5 nhà, sửa chữa 7 nhà, thu hoạch và chăm sóc hoa màu được 60,1 ha, hỗ trợ 15.634 con giống, cây giống các loại, hỗ trợ vốn sản xuất 326 triệu đồng, giúp đỡ 358 hộ dân xóa đói giảm nghèo. Các đồn phân công 25 đảng viên giúp đỡ 85 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã theo chỉ thị 681 của Bộ Tư lệnh. Thực hiện chương trình xoa đói giảm nghèo, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, đơn vị đã giúp đỡ 5 hộ nghèo thôn Bản Pho xã A Mú Sung thoát nghèo.

Các đồn triển khai các hoạt động thiết thực như tặng cây giống, con giống, phân bón các loại cho các hộ nghèo, trị giá 2,1 tỉ đồng. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới được các đồn xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, theo sát hỗ trợ để bà con các dân tộc áp dụng hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo sinh kế mới giúp đồng bào ổn định cuộc sống. 

Điển hình như Đồn Biên phòng Si Ma Cai hỗ trợ 15 hộ dân tộc Nùng thí điểm trồng rau sạch tại thôn Đội 2, xã Nàn Sán; xây dựng mô hình nuôi ngựa bạch tại xã Si Ma Ca, mô hình nuôi bò nhốt tại xã A Mú sung... Với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được triển khai nhanh chóng có hiệu quả, đến nay đã giúp được 550 hộ dân thoát nghèo.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung khi đứng lớp ở lớp học sau xóa mù vào các ngày từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung khi đứng lớp ở lớp học sau xóa mù vào các ngày từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần.

Tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Đồn Biên phòng A Mú Sung cùng chính quyền địa phương mạnh dạn hướng dẫn bà con địa phương đưa giống chuối, dứa lên vùng đất này trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, giống cây này phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, chuối, dứa cho năng suất tốt. Từ đó, mô hình được nhân ra toàn thôn, tạo thành vùng chuyên canh tập trung, nhiều hộ trong thôn thoát nghèo. Đến nay, thôn Lũng Pô với gần 100 hộ đã trở thành một bản làng trù phú nơi địa đầu Tổ quốc.

Góp công sức tạo nên diện mạo mới cho bản làng

BĐBP Lào Cai đã giúp đỡ xã Pha Long, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng), xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) xây dựng nông thôn mới. Triển khai làm 2,32 km đường bê tông nội thôn; tham gia hơn 1.000 ngày công tu sửa 103,23 km đường giao thông và 31,3 km kênh mương thủy lợi. Huy động các nguồn lực xây dựng 2 nhà văn hóa thôn, 1 công trình nước sạch, tổng trị giá 1,2 tỷ đồng…

Thực hiện Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phân công lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã giúp đỡ xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) tiến hành làm đường bê tông nội thôn dài 350m, tại thôn Làng Chung. 

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, nguyên Chính ủy BĐBP tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật liệu trị giá 60 triệu đồng; cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bản Phiệt tham gia 180 ngày công, trị giá 46 triệu đồng, tổng giá trị công trình là 106 triệu đồng.

Để giúp xã A Mú Sung, huyện Bát Xát xây dựng "Điểm sáng biên giới" tại thôn Lũng Pô, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng vật liệu trị giá 50 triệu đồng, huy động 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng 150 cán bộ và người dân làm 300 mét đường bê tông vào nhà văn hóa, đổ sân bê tông nhà văn hóa diện tích gần 800 m2.

Đón Xuân Giáp Thìn 2024, gia đình anh chị Sùng A Lù - Thào Thị Sểnh ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát sẽ nhân gấp nhiều lần niềm vui bởi gia đình sẽ đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang. Gia đình anh Sùng A Lù hết sức khó khăn, cả nhà 5 người phải ở nhờ nhà anh em vợ trong căn nhà bằng tre mục nát, đe dọa bị đổ bất cứ lúc nào. Cả hai vợ chồng và 1 đứa con đều bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. 

Đồn biên phòng Trịnh Tường đã kết nối vận động CLB mái ấm tình thương Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ giúp đỡ bằng tiền mặt 60 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà cho gia đình anh Lù. Ngoài ra, bà Trần Thị Lan (Thôn Tùng Chỉn 2) và ông Sần Thó Suy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trịnh Tường kêu gọi các tổ chức cá nhân ủng hộ 29 triệu đồng, cán bộ thôn, bà con hàng xóm, Đồn biên phòng hỗ trợ trên 30 ngày công. Đến ngày 15/5/2023, ngôi nhà gần 50 m2 bằng vật liệu kiên cố của gia đình anh Lù, chị Sểnh đã hoàn thành trong niềm vui của gia đình và bà con thôn xóm.

Ông Sần Thó Suy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường cho biết: Thời gian vừa qua giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với Đồn Biên phòng Trịnh Tường thường xuyên phối hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm trong công tác xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền vận động người dân tham gia đổ đường bê tông ngõ xóm, xây dựng nhà cửa, sửa chữa chỉnh trang làm mới nhà ở. 

Đồn Biên phòng Trịnh Tường phối hợp tham gia các buổi họp thôn, cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con nhân dân bảo vệ biên giới, phòng chống ma túy, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nhân lên giấc mơ đến trường tại các bản làng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của BĐBP tỉnh Lào Cai là làm cho đồng bào các dân tộc nhận thức đúng sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tại các xã, phường biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền vận động 4.602 cháu học sinh trở lại trường; phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã biên giới mở 119 lớp xóa mù chữ…

Trong quá trình giảng dạy Thầy giáo mang quân hàm xanh thường xuyên phải kèm cặp từng học sinh, uấn nắn từng chữ để bà con nhận biết mặt chữ và cách tính toán.

Trong quá trình giảng dạy, thầy giáo mang quân hàm xanh thường xuyên phải kèm cặp từng học sinh, uấn nắn từng chữ để bà con nhận biết mặt chữ và cách tính toán.

Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời khuất sau những ngọn núi, bóng tối dần bao trùm, ánh điện nhỏ lấp loáng trên con đường nhỏ ngược dốc đến Điểm trường thôn Nậm Giang 2, trường PTDTBT và Tiểu học xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát. Họ đến đây với mong muốn biết đọc chữ, có kiến thức để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung, đã gắn bó với công việc này đã nhiều năm nay. Lớp học rộng chỉ rộng khoảng 50m2, với chiếc bảng mới dựng và những bộ bàn ghế cũ. Lớp học có 20 học viên tuổi từ 15-60; học từ  lúc 19 giờ đến 21h30 các tối Thứ 2 đến tối Chủ nhật. Chúng tôi không thể mở lớp học vào ban ngày, bởi thời gian đó bà con đi làm nương và những công việc khác của gia đình.

19h học viên đến khá đầy đủ với những trang phục lộng lẫy của địa phương. Chị Chảo Ú Mẩy, sinh năm 1983, ở thôn Nậm Rang 2, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, thuộc địa bàn Đồn Biên phòng A Mú Sung quản lý là học sinh lớp sau xóa mù chữ phấn khởi lắm vì chị đã được biết cái chữ. "Khi có thông báo trưởng thôn về lớp học này và được sự vận động của chính quyền địa phương và các anh Biên phòng thì em lên đăng ký để đi học. 

Được cô giáo ở trường và các anh Đồn Biên phòng dạy học nên bây giờ em mới biết đọc, viết và tính toán mỗi khi đi chợ, mua bán ở dưới xã. Biết chữ, mọi công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Em rất cảm ơn chính quyền xã và các anh Biên phòng đã tận tình chỉ bảo giúp chúng em được biết cái chữ", chị Chảo Ú Mẩy vui vẻ nói.

Đồn Biên phòng A Mú Sung được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý đường biên giới dài hơn 26km đi qua 2 xã Nậm Chạc và xã A Mú Sung với 04 cột mốc biên giới. Đây là 2 xã vùng cao biên giới, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, núi cao vực sâu. Để góp phần củng cố xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế, xã hội cho người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó có công tác xóa mù chữ do Đội Vận động quần chúng đảm nhiệm.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: Khó nhất là việc vận động động bà con đến lớp. Do địa bàn rộng đường xã đi lại khó khăn; các hộ gia đình ở xa, kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy; hơn nữa, vẫn còn hủ tục lạc hậu trong nhân dân, nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con ra lớp. 

Việc duy trì sĩ số cũng không hề đơn giản. Bởi vậy, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, một số trường học trên địa bàn và phát huy vai trò của người có uy tín trong bản để vận động bà con đi học. Đồng thời, chọn những đồng chí của đơn vị có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, có uy tín trong đồng bào dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân để tham gia quá trình vận động và giảng dạy.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: Ngay sau khi nhận được công văn về mở lớp xóa mù chữ trên đia bàn xã Nậm Chạc; giáo dục trung tâm công đồng xã Nậm chạc đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Đồn Biên phòng A Mú Sung tiến hành rà soát tại các thôn trên địa bàn xã để tiến hành mở lớp xóa mù chữ; sau khi rà soát đến tháng 9/2022 đã tiến hành mở 1 lớp xóa mù chữ tại thôn Nậm Giang 2 xã Nậm Chạc với tổng số 29 học sinh tham gia học tập và phân công giáo viên giảng dạy vào buổi tối các ngày trong tuần; thời gian học từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút; sau khi lớp xóa mù chữ bế giảng đến tháng 4/2023 tiếp tục mở 1 lớp sau khi biết chữ từ lớp 3 - 5 tại thôn Nậm Giang 2 xã Nậm Chạc với tổng số 20 học sinh. 

Năm 2022 tỉ lệ người dân trên địa bàn xã Nậm Chạc là 135 người không biết chữ; và đã vận động được 29 người dân đi học đạt 21,49% trên trổng số người không biết chữ. Đồn Biên phòng A Mú Sung đã phối hợp với UBND xã Nậm Chạc; Trường PTDTBT&THCS tiến hành xuống các hộ gia đình vận động bà con đi học đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội Vận chúng Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: Đảng ủy, BCH Đồn A Mú Sung đã cử tôi phối hợp với Trường Tiểu học, THCS Bán trú xã Nậm Chạc giúp địa phương mở 2 lớp học buổi tối. Năm 2022 mở lớp xóa mù chữ tại thôn Nậm Giang 2 với 24 học viên tham gia. Năm 2023 mở lớp sau xóa mù chữ tại thôn Nậm Giang 2 với 20 học viên tham gia.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung hàng ngày đi đến tận nhà học viên giúp làm các công việc nhà và thu hoạch mùa màng: phơi ngô, lúa…và vận động bà con đến lớp học.

Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung hàng ngày đi đến tận nhà học viên giúp làm các công việc nhà và thu hoạch mùa màng: phơi ngô, lúa…và vận động bà con đến lớp học.

"Quá trình lên lớp dạy học mang cái chữ về cho bà con nhân dân cũng gặp nhiều gian truân vất vả, đường xá lại xa xôi, khó đi gần 10km ngược dốc. Bà con nhân dân theo thói quen đi làm sớm về nhà muộn, đến lớp ngồi học được 30 phút là muốn về đi ngủ. Sau mỗi buổi dạy, tôi trăn trở suy nghĩ tìm ra phương án dạy và học để đạt hiệu quả, chất lượng được tốt hơn. 

Vậy là hàng ngày, cứ 16h30 tôi đi đến tận nhà các học viên giúp thái chuối cho lợn để sẵn ở đó, quét dọn sân nhà cho sạch gọn, giúp bà con thu hoạch mùa màng, phơi thu ngô, thóc, tối gia đình về nhà có trâu, ngựa thì phải thái cỏ cho trâu, ngựa tôi cũng vào làm giúp. Mặc dù thời gian giúp dân không nhiều nhưng với tinh thần chung tay góp sức giúp việc cho gia đình nên học sinh nào cũng quý mến. Từ đó, các học viên đều tranh thủ buồi tối thu xếp việc gia đình để đi học", Thiếu tá Đạt cho biết thêm.

Theo Thiếu tá Đạt: Trong quá trình đứng lớp phải đa dạng hóa các hình thức dạy học. Không chỉ bám sát nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT, mà còn đồng thời lồng ghép các nội dung phổ biến tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống xã hội, nhằm góp phần giảm nghèo, tăng năng suất lao động, từ bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, chống tảo hôn để từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Các mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng"; "Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường"; "Nâng bước em tới trường" đã nhân lên giấc mơ đến trường theo học con chữ của nhiều trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. BĐBP Lào Cai đã triển khai có chất lượng hiệu quả mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" với 22 cháu, hỗ trợ 3 triệu đồng/cháu/ tháng; Chương trình "Nâng bước em tới trường" cho 71 cháu, hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng và Dự án "Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường" giai đoạn 2021 - 2025 với 70 cháu, hỗ trợ 2.300.000 đồng/cháu/tháng.

Những việc làm thiết thực hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Lào Cai đã để lại tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh. Qua đó xây dựng mối đoàn kết quân dân ngày càng vững chắc, cùng chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Phương Loan
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.