Lào Cai: Nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Địa phương
11:14 PM 08/12/2023

Một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao... Trong đó, di sản “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lào Cai: Nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Trò chơi dân gian tại các lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.

Bên cạnh đó là gần 50 nghi lễ, lễ hội các dân tộc được phục dựng, bảo tồn; gần 2.000 bài dân ca, dân vũ... Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, đưa văn hóa thể thao truyền thống vào nhà trường; phát huy vai trò của các nghệ nhân; kiểm kê di sản, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể... là nỗ lực lớn của tỉnh, ngành chức năng trong việc bảo tồn văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã được ngành Văn hóa triển khai thường xuyên; cụ thể đi đến từng làng, từng bản. Hiện nay, tỉnh đang làm công tác bảo tồn về trang phục truyền thống, dân ca dân vũ, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán. Tất cả phong tục tập quán của các dân tộc cho đến nay đã được bảo tồn tương đối tốt.

Một số lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự, khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, như lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Bắc Hà, lễ hội Gầu Tào của người Mông ở huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai...

Điển hình như với người Dao Họ, quần áo được may từ những mảnh vải tự dệt có ý nghĩa quan trọng, được sử dụng trong những nghi lễ đặc biệt của một đời người như dệt chăn thổ cẩm dùng cho lễ cấp sắc, mũ đội đầu bảo vệ trẻ em tránh ma tà xâm nhập, địu trẻ em khi lao động... Do đó, phụ nữ Dao Họ ở thôn Trà Trẩu, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, lâu nay vẫn giữ cách dệt vải truyền thống. Hầu như hộ nào trong thôn cũng có khung cửi dệt vải.

Hay như tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, nơi có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống có đội văn nghệ bản sắc dân tộc Tày. Đây là hoạt động do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Lào Cai phối hợp xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân vũ của dân tộc Tày. Đặc biệt là phát huy giá trị của làn điệu khắp Nôm Tày đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Lào Cai cũng đều chú trọng đến việc phát huy giá trị những văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 2019, Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tại thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Ban đầu, câu lạc bộ có 22 thành viên, đến nay đã phát triển lên 28 thành viên; đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào dân tộc Dao ở Khe Mụ.

Hàng trăm hiện vật đã được sưu tầm, gồm các di vật, hiện vật về lịch sử, trang phục, đồ trang sức truyền thống, công cụ sản xuất, nhạc cụ và công cụ trong hoạt động tín ngưỡng của các người Bố Y, Pa Dí, Xá Phó, La Chí, Hà Nhì... phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ và trưng bày, quảng bá về lịch sử, văn hóa, tự nhiên tại Bảo tàng tỉnh.

Nghề dệt truyền thống của người Dao Họ.

Nghề dệt truyền thống của người Dao Họ.

Hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại 500 làng, bản góp phần nhận diện các di sản văn hóa có giá trị để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới. Năm 2022, đã hoàn thành việc lập hồ sơ của 3 di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (4 hồ sơ đang hoàn thiện để trình vào cuối năm); 02 hồ sơ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co” và “Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái”.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các nghi lễ truyền thống như: Nghi lễ Quét làng đầu năm của người Xá Phó, Lễ Quét làng dân tộc Bố Y, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, Tết Cơm mới dân tộc Giáy, Lễ Cầu thọ “Ta pao phù” của người Bố Y, Lễ hội cúng rừng của người Pa Dí (huyện Mường Khương)...

Sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc có nguy cơ mai một cao như: Người Mông đen tỉnh Lào Cai; người Thu Lao, người Nùng Dín huyện Mường Khương; người Mông xanh (huyện Văn Bàn); Sưu tầm di sản phi vật thể người Dao họ tỉnh Lào Cai; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa của người Xá Phó huyện Sa Pa, nghệ thuật hát đồng dao của dân tộc Bố Y huyện Mường Khương, Hội Hát qua làng của người Dao tuyển huyện Bảo Thắng, nghệ thuật múa Khèn dân tộc Mông tỉnh Lào Cai.

Có thể thấy, công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội được triển khai theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với thuần phong mĩ tục, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn