Lào Cai: Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử năm 2022
Lào Cai phấn đấu 100% doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Đây là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà Lào Cai sẽ tập trung triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 270/KH-UBND đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai lên sàn thương mại điện tử giai đoạn 2022 - 2025 và năm 2022.
Chương trình OCOP Lào Cai hội tụ đặc sản địa phương
Những năm gần đây, nhờ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP (Chương trình OCOP), tiềm năng nông sản của tỉnh biên giới Lào Cai đã được đánh thức, tạo động lực để vươn ra thị trường các tỉnh trong nước và nước ngoài. Theo số liệu của Chi cục trường Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tính đến cuối năm 2021, từ Chương trình OCOP, tỉnh Lào Cai có 123 sản phẩm được công nhận 3 đến 4 sao. Các sản phẩm này là những sản vật, đặc sản địa phương.
Các sản phẩm OCOP Lào Cai có thể kể đến như: Gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, dưa lưới, bưởi Múc, cá hồi Sa Pa, thịt lợn sấy, lạp sườn đen sấy gác bếp, các loại tinh dầu sả, quế Bảo Yên; miến sâm, dấm táo mèo,… Có thể nói, Chương OCOP đã lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh. Chương trình đã tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương.
Với mục đích hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử, trên nền tảng số. Hình thành cácdoanh nghiệp số, hợp tác xã số và hộ kinh doanh số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Kế hoạch số 270/KH-UBND của tỉnh Lào Cai đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là phấn đấu đưa tỷ lệ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên môi trường mạng đạt 35%; Tỷ lệ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm đạt 30%; Tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đạt 100%; Tỷ lệ Doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.
Từ năm 2023 - 2025, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tham gia tập huấn về kỹ năng số và hoạt động trên môi trường mạng đạt 70%; tỷ lệ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm đạt 60%; Tỷ lệ Doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử đạt 100%; Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 90%.
Nỗ lực thực hiện để nâng tầm đặc sản địa phương
Để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trên, trong năm 2022, tỉnh triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Thành lập Tổ công tác liên ngành khảo sát, hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các cơ quan đơn vị cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, trong tháng 8/2022.
Tổ chức khảo sát số lượng, sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, gồm: Sản lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản mùa vụ đủ điều kiện đưa lên các sàn TMĐT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; Rà soát lại số lượng sản phẩm, hàng hóa đã được đưa lên 02 sàn thương mại điện tử và đánh giá hiệu quả đối với từng sản phẩm được mua bán trên sàn thương mại điện tử (Sàn Voso.vn và sàn Postmart.vn), trong tháng 8/2022.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nội dung Kế hoạch đưa sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Lào Cai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các doanh nghiệp, hộ SXNN, hộ kinh doanh, người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và các hộ SXNN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp tại địa phương về chuyển đổi số; về sử dụng các ứng dụng thông minh, ứng dụng số, cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản thanh toán trực tuyến (thanh toán điện tử); quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử, thời gian thực hiện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đẩy mạnh hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa của các địa phương lên sàn: Căn cứ số lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm mùa vụ của các địa phương trên sàn TMĐT. Các đơn vị cung cấp dịch vụ sàn Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettel chi nhánh tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị bưu chính tại các địa phương tổ chức rà soát thường xuyên các sản phẩm chưa được đưa lên sàn thương mại điện tử, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ 1:1 đối với từng hộ kinh doanh, hợp tác xã, người dân tạo tài khoản gian hàng, tạo tài khoản thanh toán điện tử...
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phối hợp với Sở Thông tin Truyền Thông, Sở Công Thương tổ chức tập huấn, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sàn thương mại điện tử, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch; Làm tốt công tác truyền thông, thông tin về kế hoạch trên hệ thống thông tin truyền thông, thông tin cơ sở; các nền tảng số, mạng xã hội.
OCOP giờ đây gắn với vấn đề giá trị, đằng sau đó là văn hóa, là bảo vệ gìn giữ môi trường. Hy vọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay và đồng thuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình; các sản phẩm nông sản đặc hữu của Lào Cai sẽ vươn cao, vươn xa, khẳng định kết quả rất đáng tự hào trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó trở thành động lực thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hà Gái - Xuân QuýCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.