Lào Cai: Ưu tiên giáo dục vùng DTTS, tăng cường nhận thức về pháp luật
Xác định rõ đặc thù giáo dục vùng cao, biên giới, tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh công tác giáo dục dân tộc. Hệ thống trường học đã khẳng định vai trò nòng cốt tạo nên chất lượng giáo dục toàn diện, trung tâm tạo nguồn cán bộ và nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong những năm qua, công tác GD&ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) của Lào Cai nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhờ vậy, lĩnh vực giáo dục dân tộc của tỉnh đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Lào Cai có 600 trường mầm non, phổ thông và 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX), 8.288 lớp, với 234.972 học sinh (so với năm học 2022 - 2023, giảm 2 trường, tăng 111 lớp, 5.477 học sinh). Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt, cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1%. Ước kinh phí đầu tư cả giai đoạn 2021 - 2025 là 4.035 tỷ đồng, xây dựng 1.926 phòng học, 1.186 phòng bán trú và công vụ giáo viên, nhà đa năng, các hạng mục khác…
Tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, đặc biệt chính sách pháp luật cho vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn để thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Ngày 31/8/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND về các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025, trong đó nêu rõ: Với chủ đề năm học: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học hạnh phúc, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới và hội nhập”, năm học này tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, 9, 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Nâng cao chất lượng mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường phổ thông dân tộc bán trú gắn với giáo dục hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; xây dựng “Trường học hạnh phúc”... Thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021-2025”. Tiếp tục tham mưu xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách tăng cường thể chất, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Tỉnh Lào Cai chú trọng đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư, bổ sung thiết bị dạy học cho các trường ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục. Quyết tâm thực hiện mục tiêu đến hết năm 2024 toàn tỉnh đạt 68% trường chuẩn quốc gia và đạt 72% đến hết năm 2025.
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, bao gồm cả về giáo dục, đào tạo, tỉnh Lào Cai đã tổ chức thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển giáo dục trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Trước những yêu cầu mới, để sự nghiệp giáo dục tiếp tục đổi mới theo Nghị quyết 29, có những bứt phá, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh xác định quan điểm lấy giáo dục vùng cao là nền tảng, lấy trường PTDT nội trú và bán trú là nòng cốt, trường chuyên là mũi nhọn, các trường có sức cạnh tranh với nhau để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Lấy chuyển đổi số là phương thức thực hiện, lấy chất lượng đầu ra là thước đo cho giáo dục tỉnh. Tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục dành nguồn lực để mua sắm trang thiết bị; quy hoạch mạng lưới và xây dựng các trường, điểm trường bảo đảm kiên cố đáp ứng nhu cầu dạy và học…
Việt DũngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.