Lào Cai: Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Ngày 11/9/2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh quý III năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; các bộ, ngành, địa phương có nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Theo báo cáo của BCĐ, 9 tháng năm 2022, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 1.223 vụ (tăng 16,37% so với cùng kỳ); xử lý 960 vụ vi phạm (tăng 17,36% so với cùng kỳ). Tổng giá trị xử lý là 134,7 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ). Trong đó: Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 71, 4 tỷ đồng (tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ); xử phạt bổ sung, truy thu thuế là 57, 5 tỷ đồng (tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ); trị giá hàng hóa vi phạm là 5,7 tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ); khởi tố 195 vụ/220 đối tượng.
Nguyên nhân tổng giá trị xử lý tăng cao là do Cục Hải quan Lào Cai, Cục Thuế tỉnh đã xử phạt bổ sung, truy thu thuế một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính, kê khai sai số thuế phải nộp với số tiền lớn.
Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn còn diễn biến phức tạp nhất là hoạt động quảng cáo, bán hàng qua các giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.
Các đối tượng lợi dụng một số điểm sông, suối, góc khuất khu vực tường rào biên giới, hoạt động lưu thông hàng hóa trong thị trường nội địa và tuyến biên giới để trà trộn, để lẫn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu với nhiều loại hàng hóa khác để vận chuyển, bày bán; trong nội địa, đăng ký nhiều địa chỉ, địa điểm kinh doanh, tập kết, để hàng ở nhiều nơi khi có người mua mới mang đến... nên khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh nhấn mạnh: Trong quý IV/2022 cần tăng cường kiểm tra những lĩnh vực, đợt cao điểm trước, trong và sau các dịp lễ, tết, lễ giáng sinh, tết dương lịch. Đồng thời, ông yêu cầu các cơ quan Thường trực chủ động tham mưu văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành. Tham mưu xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trên tuyến biên giới tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng lái xe trung chuyển mang hàng buôn lậu xuất nhập cảnh qua biên giới; quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các kho bãi trong khu vực cửa khẩu; triển khai thí điểm Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai; Cục Hải quan tỉnh khẩn trương đưa vào sử dụng xe chuyên dụng Máy soi container di động.
Tại thị trường nội địa, tiếp tục tăng cường đấu tranh, phòng, chống việc lợi dụng hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, vận chuyển, chuyển phát hàng hóa… Kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, kiểm tra các gian hàng, tài khoản buôn bán số lượng lớn các mặt hàng có địa điểm hoạt động tại Lào Cai. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu… góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường và đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân.
Hà GáiTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.