Lào Cai: Xây dựng nền tảng du lịch bền vững, từng bước đưa ngành du lịch “đột phá”
Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Lào Cai đều có những điều chỉnh về chính sách, chiến lược, giải pháp phù hợp để từng bước đưa ngành du lịch trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới nhãn hiệu "Bông sen xanh" - Giấy chứng nhận du lịch xanh
Giai đoạn 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định phát triển du lịch, dịch vụ là 1 trong 2 lĩnh vực đột phá, mang tính chiến lược dựa trên những mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp lữ hành, ngành "công nghiệp không khói" nếu phát triển một cách ồ ạt, không được quản lý tốt sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, nhãn hiệu "Bông sen xanh" được coi như "giấy bảo hành" về môi trường để phát triển du lịch bền vững.
Thời gian qua, nhiều cơ sở lưu trú đã dành sự quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng sinh thái, thân thiện, bảo vệ môi trường, như Khu du lịch cáp treo Fansipan; Khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge Sa Pa; Laxsik Ecolodge SaPa; Silk Path Grand Sapa Resort & Spa… Đó là những cơ sở được hướng tới để cấp nhãn hiệu "Bông sen xanh" đầu tiên của Lào Cai trong thời gian tới".
Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch bậc nhất Tây Bắc
Theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND và Nghị quyết số 11 ngày 27/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch bậc nhất Tây Bắc với hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá.
Lào Cai sẽ hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 3 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sapa - Bát Xát - thành phố Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (gồm các huyện Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - phía Nam (gồm các huyện Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn Bàn); định hướng mở rộng không gian du lịch của Sapa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu thành phố Lào Cai; đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Hà (thuộc huyện Bảo Yên), Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn và Si Ma Cai...; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn "đột phá"
Khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn "đột phá" là đòn bẩy tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 đón 13 triệu lượt khách du lịch trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 63.540 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 25%, tạo ra khoảng 50.000 - 55.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 30.000 việc làm trực tiếp, 25.000 việc làm gián tiếp).
Đến năm 2050, phấn đấu đón ít nhất 18 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 121.600 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP khoảng 30%, tạo ra khoảng 80.000 - 100.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 50.000 việc làm trực tiếp, 30.000 việc làm gián tiếp).
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đang chú trọng tiến hành các bước để Sở Du lịch tỉnh Lào Cai sớm đi vào hoạt động. Đây cũng được xem là giải pháp để du lịch Lào Cai "cất cánh" trong thời gian tới, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn "đột phá" của tỉnh, xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thân thiện, an toàn.
Diệu Ly - Hà GáiĐại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.