Lao động ở tỉnh, thành nào có mức thu nhập cao nhất cả nước quý I/2022?

Đầu tư và Tiếp thị
05:14 PM 13/04/2022

Người lao động TP. HCM đạt thu nhập bình quân quý I/2022 cao nhất cả nước với 8,9 triệu đồng/tháng, kế đó là Bình Dương, Đồng Nai lần lượt 8,6; 8,5 triệu đồng.

Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. 

Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV năm 2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý III/2021.

Điểm sáng nổi bật là thu nhập bình quân tháng của lao động tăng mạnh tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại TP. HCM. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, với mức thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng, tăng 36,8%, tương ứng tăng 2,2 triệu đồng so với quý trước.

Lao động ở tỉnh, thành nào có mức thu nhập cao nhất cả nước quý I/2022? - Ảnh 1.

Lao động tại TP. HCM có thu nhập bình quân quý I cao nhất cả nước - Ảnh minh hoạ: Hồng Đào

Đặc biệt, lao động tại TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tại TP. HCM, thu nhập bình quân của lao động là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước; thu nhập của người lao động tại Bình Dương là 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54%, tương ứng tăng 3 triệu so với quý trước; lao động tại Đồng Nai có thu nhập bình quân là 8,5 triệu đồng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước.

Quý I năm nay cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quý IV/2021, lao động tại vùng này vẫn ghi nhận sự sụt giảm thu nhập, đời sống người lao động vẫn tiếp tục chịu nhiều khó khăn do tác động phức tạp và lan rộng của dịch COVID-19. Tuy nhiên sang quý I/2022, thu nhập của lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến tích cực, với thu nhập bình quân của người lao động là 5,6 triệu đồng, tăng 27,8% so với quý trước.

Mặc dù trong quý I năm 2022 chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, tuy vậy, thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có mức tăng trưởng khá, như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội là 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng là 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý IV/2021.

Theo Tổng cục Thống kê, sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay trong quý I đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Thời gian tới cần có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động.

Chính phủ triển khai gói 6.600 tỷ đồng từ 1/4, hỗ trợ lao động đang thuê trọ, làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm và người quay trở lại thị trường. Mức hỗ trợ 1,5-3 triệu đồng mỗi tháng, tối đa ba tháng. Gói hỗ trợ với mục đích "kéo" lao động quay lại các thành phố lớn trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.