Lao động quay trở lại làm việc được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà với mức cao gấp đôi

Xã hội
08:17 PM 07/02/2022

Đây là một trong những chính sách mới trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được Bộ LĐ-TB-XH triển khai trong năm 2022. Theo đó, người lao động (NLĐ) đang ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng, NLĐ quay lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng với mức cao gấp đôi.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình này. Một trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện những mục tiêu nêu trên đó là bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. 

Lao động quay trở lại làm việc được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà với mức cao gấp đôi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu này có nêu rõ việc hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Trao đổi với các cơ quan báo chí về việc thực hiện nghị quyết và các chính sách này, ĐBQH Trần Văn Lâm - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho hay, những chính sách hỗ trợ người lao động nói trên như hỗ trợ tiền cho thuê nhà, cho vay vốn đào tạo nghề… nhằm giải quyết và xử lý vấn đề hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động, giải quyết công ăn, việc làm đảm bảo an sinh xã hội.

Việc hỗ trợ này, một mặt giúp NLĐ tiếp tục ổn định công việc. Một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp không bị đứt gãy nguồn cung lao động. Mặt khác, đây cũng là giải pháp tiền tệ, cung tiền ra ngoài thị trường để cùng các nguồn lực khác tái khởi động nền kinh tế phát triển. Đây là một chủ trương kịp thời, phù hợp, trúng vào vấn đề mấu chốt để tái khởi động nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Tuy nhiên, để triển khai việc hỗ trợ này có hiệu quả cần có hướng dẫn cụ thể từ các ban, ngành. Đối với công nhân đang việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm… cần phải được lập danh sách đối tượng thụ hưởng và có kế hoạch tổ chức chi trả, hỗ trợ. Theo đó, việc hỗ trợ này cần phải vừa được thực hiện nhanh chóng, đơn giản các loại hồ sơ, giấy tờ để tạo thuận tiện cho người lao động. Tránh việc hỗ trợ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng nhưng người lao động lại phải có nhiều thủ tục, giấy tờ nhiêu khê, vất vả. Mặt khác, việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả cũng cần tính tới phương án tránh trục lợi chính sách.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), làn sóng đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức "nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại "vết sẹo" lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp".

Ở Việt Nam, đợt dịch thứ 4, từ 27/4, kéo dài tới nay đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Nhiều con số thống kê cho thấy mức độ "tàn phá" khốc liệt của đại dịch.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, nửa đầu năm 2021, cả nước đã có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020, đến quý 3/2021 con số này tăng lên 28,2 triệu người. Có 4,7 triệu người bị mất việc làm, 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập. Số người có việc làm giảm gần 2,7 triệu.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua. Tại khu vực thành thị là các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục của khu vực thành thị là 5,54%.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn