Lao động xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng gấp 20 lần
Sau khi các thị trường hồi phục và mở cửa trở lại, số lượng lao động Việt ra nước ngoài làm việc đang tăng mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 lao động, gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài những tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong tháng 2/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 6.601 lao động (2.626 lao động nữ).
Con số này bằng hơn 13 lần (1.320%) so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 2/2022 là 500 lao động, trong đó 43 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản 3.470 lao động (1.618 lao động nữ), Đài Loan 2.690 lao động (955 lao động nữ), Singapore 141 lao động nam, Hàn Quốc 81 lao động nam, Trung Quốc 69 lao động nam, Hồng Kông 38 lao động nam, Rumani 37 lao động (4 lao động nữ), Hungari 35 lao động (24 lao động nữ), và các thị trường khác.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 lao động (9.452 lao động nữ), đạt 25,84% kế hoạch năm 2023, và bằng hơn 20 lần (2.091%) so với cùng kỳ năm ngoái (2 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 1.359 lao động).
Đài Loan là thị trường dẫn đầu về số lao động tiếp nhận được với 14.609 lao động (4.718 lao động nữ), kế đến là Nhật Bản với 12.473 lao động (4.580 lao động nữ), Singapore 250 lao động nam, Trung Quốc 239 lao động nam, Hàn Quốc 230 lao động nam, Rumani 198 lao động (29 lao động nữ), Hồng Kông 123 lao động nam, Hungari 80 lao động (40 lao động nữ), số còn lại thuộc các thị trường khác.
Dù chững lại trong giai đoạn đại dịch COVID-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch với số người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở lại đạt mức trước đại dịch.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022, cả nước có hơn 142.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 316,87 % so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2021. Đây là mức tương đương với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, mục tiêu hướng đến là tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này./.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.