Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Những “chiêu trò” hòng trục lợi của các doanh nghiệp trong việc khai thác đất
Quá trình thu thập thông tin về thực trạng vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên đất ở Vĩnh Phúc, nhóm PV chúng tôi nhận ra những “chiêu trò” đang được các doanh nghiệp vi phạm áp dụng trong việc lợi dụng các dự án để trộm cắp tài nguyên khoáng sản.
Ở Vĩnh Phúc cũng từng diễn ra tình trạng khai thác đất đồi, cao lanh trái phép. Tình trạng này đang tiếp tục được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng nỗ lực ngăn chặn. Nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp "làm đúng luật" bằng cách đăng ký giấy phép làm các dự án "chăn nuôi". Đây rõ ràng là cách làm có vẻ tốn rất nhiều công sức, gian nan của chủ dự án, cũng như chủ doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, họ xin được phép hạ cốt nền "các quả đồi, dãy núi" và khai thác đất vận chuyển phục vụ các công trình trong tỉnh để thực hiện dự án đào ao thả cá, chăn nuôi lợn.
Như vậy, khi dự án thành công cũng có nghĩa là "đồi núi" biến mất, và những dự án được vẽ ra sẽ hiện lên như một phép màu, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Tại huyện Lập Thạch, cụ thể ở 2 xã Liễn Sơn và xã Xuân Hòa, không khó để nhận ra hàng loạt xe tải ben loại 6 chân đang hàng ngày ngang nhiên khai thác đất cao lanh (đất phong hóa có giá trị cao - PV) chở rầm rập vận chuyển đất đi qua nhiều cung đường…gây ra nhiều hệ lụy.
Cụ thể mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 2079/GP- UBND ngày 13/8/2020 cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Đại Vượng khai thác vận chuyển khoáng sản đất san lấp làm vật liệu xay dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trong diện tích Dự án "chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng công nghiệp tại xã Liễn Sơn và xã Xuân Hòa - huyên Lập Thạch do hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hải làm chủ đầu tư". Theo giấy phép, diện tích khai thác là 6.809,5 m2 gồm 3 ao xử lý nước thải nằm trong khuôn viên dự án, trữ lượng khai thác là 8.003,77 m3, thời gian thực hiện dự án là 6 tháng. Việc khai thác đất ra khỏi dự án nhằm phục vụ cho việc san nền Trung tâm Thương mại của HTX Vận tải và Xây dựng Tiến Dũng tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên và cung cấp đất san lấp, san nền cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng nhiều "chiêu trò" để ăn cắp tài nguyên
Lợi dụng chủ đầu tư được cơ quan chức năng cấp giấy phép, doanh nghiệp đã ngang nhiên vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, chưa nói tới việc khai thác của doanh nghiệp có đúng phạm vi mốc giới hay không, nhưng sau khi doanh nghiệp bóc lớp đất mặt thì phát hiện cao lanh (đất phong hóa có giá trị cao - PV).
Lợi dụng giấy phép được ký, doanh nghiệp đã ngang nhiên đưa hàng chục xe tải ben loại 6 chân thi nhau chạy rầm rập hàng ngày, qua nhiều cung đường. Do đất cao lanh có giá trị cao, nên doanh nghiệp đã ngang nhiên bất chấp giấy phép, sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, mà sử dụng nhiều "chiêu trò" để vận chuyển đất ra khỏi địa bàn tỉnh bán kiếm lời. Qua nhiều ngày quan sát tại điểm khai thác, chúng tôi ghi nhận sau khi múc đất lên xe tải đã đầy ắp, đơn vị đã dùng gầu múc nèn đất xuống dưới mép thành thùng và không che bạt nhằm tránh ánh nhìn từ người dân, cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, do nhiều doanh nghiệp vận tải trong quá trình vận khai thác và vận chuyển đất sử dụng nhiều xe quá khổ, quá tải làm nhiều con đường bê tông liên xã bị xuống cấp nên người dân sống 2 bên con đường đã có nhiều ý kiến lên cơ quan chức năng và tự ngăn cản các "hung thần" chạy vào con đường của người dân và nhà nước cùng làm, khi bị chặn đường làm cho việc vận chuyển đất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Tới đây, một "chiêu trò" mới được doanh nghiệp vận tải áp dụng là thỏa thuận với một số người dân có đất vườn hoặc đât đồi với 2 hình thức là thuê hoặc mua lại diện tích đất để mở riêng cho mình một con đường riêng nhằm phục vụ việc vận chuyển đất ra khỏi địa bàn đem đi bán một cách thuận lợi.
Bất chấp nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh
Mới đây, trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và xe quá khổ quá tải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Công văn số 9283/UBND-TH2 ngày 10/12/2020 về việc xử lý dứt điểm thông tin báo chí phản ánh về xe quá tải và khai thác đất trái phép trên địa bàn. Trong Công văn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu: Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng xe quá tải cùng với hoạt động khai thác đất trên địa bàn, dù thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo xử lý (Văn bản 8189/UBND - CN1 ngày 29/10/2020; Văn bản số 8222/UBND-NN4 ngày 30/10/2020; Văn bản số 8741/UBND-TH2 ngày 20/11/2020). Tuy nhiên, bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc không ngừng nghỉ của các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp đã ngang nhiên sử dụng nhiều "chiêu trò" để khai thác và vận chuyển đất ra khỏi địa bàn bán hòng trục lợi.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc). Ông Hải cho biết: "Tại vị trí người dân phản ánh thì hiện tại có một mỏ đất được cấp, gia đình ông Nguyễn Minh Hải được phép đào 3 ao để xử lý nước thải và được phép chở đất xuống Vĩnh Yên..." Và ông Hải cho biết thêm, đất ở dưới lòng đất địa phương không có chức năng biết là đất gì. Ở đây địa phương chỉ yêu cầu doanh nghiệp làm đúng theo giấy phép, không được chở xe quá tải qua đường nông thôn".
Tuy nhiên, thực tế lượng đất lên đến hàng chục vạn m3 đất được doanh nghiệp múc lên phần lớn là đất phong hóa (đất cao lanh). Quá trình vận chuyển doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng về việc vị trí đổ đất sai với giấy phép được cấp. Sau nhiều ngày theo đoàn xe chở cao lanh, chúng tôi ghi nhận sau khi được chất lên đầy thùng đất, các xe tải ben loại 6 chân chạy xuyên qua 2 con đường đất được doanh nghiệp tự làm, sau đó chạy qua địa phận xã Tử Du, di chuyển lên trung tâm thị trấn Lập Thạch, rồi chạy ra đường tỉnh lộ 305 đi qua nút giao Văn Quán và chạy thẳng lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên tỉnh Phú Thọ để bán vào nhà máy gạch kiếm lời. Suốt chặng đường dài qua nhiều trục đường giao thông, nhưng các "hung thần" vô tư chạy rầm rập mà không hề bị can thiệp bởi lực lượng chức năng.
Sự việc trên đã làm cho cuộc sống của người dân lại lâm vào cảnh "ngày nắng đường toàn đất cát bụi bặm, mưa xuống thì đường toàn bùn ướt lầy lội. Nhiều đoạn đường bê tông đã bị vỡ, tình trạng xe chở đất quá tải trọng, rú còi hơi, hoạt động rầm rộ ở địa phương". Đáng nói hơn, sự việc không những làm cho tài nguyên khoáng sản nhà nước bị thiệt hại nặng nề, mà còn làm cho người dân và dư luận mất đi lòng tin vào những chỉ đạo của các cấp chính quyền.
Rõ rành bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cùng các biện pháp nhằm ngăn chặn sử lý của các cấp chức năng và lực lượng chức năng, thì ở đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ đang "thờ ơ" trước sự việc trên.
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc chỉ đạo xác minh làm rõ đơn vị, doanh nghiệp nào đang sử dụng nhiều "chiêu trò" hòng khai thác, vận chuyển và bán tài nguyên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đức NamViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.