“Lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế”: Hiểu sao cho đúng?
Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng “chỉ đạo của Thủ tướng “lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế” là hoàn toàn chính xác”...
Thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng cũng là cách để chúng ta duy trì được tăng trưởng và tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 50 đã không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đây là thành công bước đầu vô cùng to lớn trong công cuộc chống dịch COVID-19. Gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Kinh tế bắt đầu có phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện một tinh thần không lùi bước trước khó khăn, mọi cấp, mọi ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt được mục tiêu cao nhất năm 2020. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công. Khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội quyết liệt hơn. Đặc biệt, Thủ tướng nêu phương châm thực hiện “lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế”.
Hào hứng và bày tỏ niềm tin với phương châm hành động này, chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng “chỉ đạo của Thủ tướng “lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế” là hoàn toàn chính xác” trong bối cảnh hiện nay". Vị chuyên gia này cho rằng, trong tình hình kinh tế có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thất nghiệp gia tăng thì việc đẩy mạnh chính sách trọng cung – “lấy cung làm chủ đạo” có ý nghĩa rất lớn. Có nghĩa là chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công. Điều này cũng thống nhất với chỉ đạo ngay từ đầu của Thủ tướng.
“Ở Việt Nam, thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng cũng là cách để chúng ta duy trì được tăng trưởng và tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Để giải quyết vấn đề tăng trưởng mà không tạo ra lạm phát cao, đầu tư vào hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc - Nam là hướng đi đúng đắn. Lợi ích kép trong việc đầu tư vào hạ tầng là tạo việc làm, tăng nhu cầu trước mắt và lâu dài là góp phần gia tăng năng suất tổng cho nền kinh tế sau đầu tư” – chuyên gia Phạm Việt Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chính sách về tiền tệ và tài khoán như giãn, giảm, hoãn thuế, lãi vay ngân hàng…đã góp phần tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho doanh nghiệp, tạo đà và sức để doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục lại sản xuất kinh doanh ở giai đoạn “bình thường mới”. Với các doanh nghiệp lớn đã giúp kích thích quay trở lại đầu tư vào nền kinh tế.
Thậm chí Chính phủ đã có những chính sách cho người dân, những chính sách hỗ trợ cho người nghèo hiệu quả có tác dụng giúp kích cầu nền kinh tế. Bởi khi người dân có tiền mới có khả năng chi tiêu tốt hơn.
Vì vậy, theo ông Phạm Việt Anh, chỉ đạo của Thủ tướng được hiểu cụ thể hơn là “Lấy đầu tư công và tiêu dùng nội địa kích thích nền kinh tế”.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.