Lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách

Chính trị - xã hội
04:18 PM 07/04/2022

“Quyết liệt - Sâu sát - Cụ thể - Lấy lợi ích người dân đưa lên hàng đầu”, là những đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà phân tích, doanh nghiệp về Chính phủ sau một năm kiện toàn.

Chính phủ luôn sâu sát, cầu thị và lắng nghe

Theo PGS.TS. Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng), dịch COVID-19 đã làm khuynh đảo cả thế giới. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ gặp muôn vàn những khó khăn chưa có tiền lệ.

Tuy nhiên, từ Chỉ thị 15, 16, đến Nghị quyết 128 đã cho thấy, Chính phủ sát với thực tiễn, trong điều hành luôn lấy dân làm gốc, lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách.

Lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách - Ảnh 1.

PGS.TS. Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bà Bùi Thị An ấn tượng về những chuyến "vi hành" thường xuyên của lãnh đạo Chính phủ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ Tết, hay những ngày cao điểm dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành bằng cuộc họp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố để điều chỉnh ngay những bất cập, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

"Sự điều hành cụ thể, sát với thực tiễn của Chính phủ được người dân ủng hộ, đánh giá cao, tạo niềm tin, sự đồng lòng, giúp chúng ta vượt qua sóng gió về nhiều mặt, từ phòng, chống dịch bệnh, cho đến biến động giá cả để giữ ổn định tương đối về phát triển kinh tế. Đây có thể coi là một chiến thắng", bà Bùi Thị An nói.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng, đó là "Nếu có bất cập đâu, đề nghị các đồng chí báo cáo ngay với Thủ tướng, Chính phủ để tháo gỡ", bà Bùi Thị An cho rằng, điều này thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bà Bùi Thị An cũng đánh giá cao chiến lược vaccine được thực hiện kịp thời, hiệu quả, thể hiện sự nhanh nhạy và thích ứng của Chính phủ với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, chúng ta đã phòng chống dịch có hiệu quả, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của người dân, ổn định được cuộc sống và đưa sản xuất trở lại bình thường. Trước mắt đã thấy sự hồi phục, hồi sinh của một số lĩnh vực kinh tế như xuất khẩu các ngành hàng chính gạo, thủy sản, da giày… sau giai đoạn dài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Đặc biệt, hiện nay, sự điều hành của Chính phủ rất cụ thể, chỉ rõ những khiếm khuyết trong quản lý của từng ngành, thậm chí từng cá nhân, đồng thời không quên quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tham ô, xử lý các vụ việc liên quan đến những vấn đề vốn là bức xúc lâu nay như lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, những kỳ vọng về phục hồi kinh tế của người dân và doanh nghiệp có thể chưa đáp ứng ngay được như mong muốn và phải cần có thêm thời gian. Bà Bùi Thị An tin tưởng rằng, với sự điều hành của Chính phủ, sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị như hiện nay, chúng ta sẽ dần đạt được các mục tiêu đề ra.

Định hướng, hành động đúng đắn trong muôn vàn khó khăn

Sâu sát tình hình thế giới và trong nước, luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã quyết liệt đưa ra nhiều quyết sách chính xác. 

Theo TS. Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV), thành công lớn nhất của năm vừa qua là quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết tâm đẩy nhanh chiến lược vaccine, để có thể tự tin mở cửa nền kinh tế với Nghị quyết 128. Trong bối cảnh lực cầu tiêu dùng còn yếu, Chính phủ đã quyết định tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích đầu tư và tận dụng cơ hội về nhu cầu hàng hóa thiết yếu toàn cầu. Qua đó đã giúp nền kinh tế phục hồi trên cơ sở kiên định và làm sâu hội nhập quốc tế với các FTA đã có hiệu lực như CPTPP, EVTFA và RCEP.

Lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách - Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Nhờ đó, nền kinh tế đã và đang phục hồi tích cực, từ mức tăng trưởng âm 6,02% quý III/2021 chuyển sang tăng trưởng dương và đạt 5,22% quý IV/2021. Tiếp đó 5,03% quý I/2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và chiến sự Nga-Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022 đến nay. "Với đà này, năm nay, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5,7-6% và nếu quyết liệt, vẫn có thể đạt 6-6,5%", TS. Cấn Văn Lực dự báo.

Quan trọng hơn, các quyết sách kịp thời, sát thực tiễn đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát bình quân chỉ tăng 1,84% năm 2021 và 1,92% quý I/2022 trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu đang ở mức rất cao (3,3% năm 2021 và khoảng 4,5% năm 2022).

"Cả năm nay, chúng tôi dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ vào khoảng 3,8-4,2%. Các cân đối lớn như cán cân thương mại thặng dư 4 tỷ USD năm 2021, hơn 800 triệu USD quý I/2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh (+19% năm 2021 và +13% quý 1/2022); thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dù tăng do chúng ta phải tăng chi cho phòng chống dịch, cho đầu tư phát triển, nhưng vẫn trong ngưỡng và trong tầm kiểm soát; lãi suất, tỉ giá cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng mạnh, lên mức trên 110 tỷ USD hiện nay", TS. Cấn Văn Lực phân tích. Những điều này cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế ở mức khá, được các tổ chức quốc tế như WB, Fitch đánh giá tích cực.

Theo ông Cấn Văn Lực, có được kết quả trên là do công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Các bộ, ngành đã chú trọng điều tiết cung cầu hàng hóa, dịch vụ, nhất là những mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, đặc biệt là vào những lúc cao điểm.

Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Một thành công nữa của Chính phủ trong năm qua chính là thể chế được tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhất là những gì liên quan đến quốc kế dân sinh. Công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát đã tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc.

Doanh nghiệp phục hồi, an sinh xã hội bảo đảm

Cùng chung với những quan điểm trên, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, cộng đồng doanh nghiệp người dân đều thấy rõ, cảm nhận được nhiều thay đổi trong cách thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ theo hướng hành động quyết liệt với một quyết tâm rất cao để có được kết quả tích cực.

Lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách - Ảnh 5.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngưng trệ, di chuyển của người dân bị hạn chế, sản xuất, lưu thông đứt gãy, dòng tiền đầu tư có nguy cơ gián đoạn. Việc Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng Trung ương hỗ trợ thanh khoản đã giúp các thị trường vận hành thông suốt, ngân hàng và doanh nghiệp bảo đảm khả năng thanh toán. Cụ thể Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 1,5-2%/năm, lãi suất liên ngân hàng - mức lãi suất vay mượn lẫn nhau kỳ hạn ngắn giữa các tổ chức tín dụng, đã giảm xuống mức rất thấp trong lịch sử, khoảng từ 0,5%/năm đến 0,9%/năm cuối tháng 9.

Chính sách này đã giúp giảm chi phí vốn đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ là 4,3%/năm (thấp hơn mức trần quy định là 4,5%/năm).

"Đây là một giải pháp kịp thời của Chính phủ để hỗ trợ, cung ứng vốn cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp", TS. Bùi Quang Tuấn nhận định.

Theo TS. Bùi Quang Tuấn, bên cạnh những chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ, hàng loạt gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp và người dân nhằm đạt được mục tiêu kép cũng đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai. Trong bối cảnh đại dịch, nhiều chính sách an sinh xã hội lớn đã được thực hiện quyết liệt, trong đó có 3 gói hỗ trợ an sinh lớn theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ là 26.000 tỷ đồng, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí 38.000 tỷ đồng. Nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt đã kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

"Đến nay, các gói hỗ trợ an sinh xã hội này về cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu. Nhiều người dân lao động gặp khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch đã được hưởng lợi từ các gói hỗ trợ này", TS. Bùi Quang Tuấn nói.

Chính phủ luôn đồng hành và tiếp sức mạnh cho doanh nghiệp

Ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Tô Hoài Nam (Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam VINASME) bày tỏ, hiện nay, các hoạt động kinh tế về cơ bản đang thích ứng khá tốt với điều kiện bình thường mới, theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đối với mục tiêu kép, về phòng dịch vẫn phải bảo đảm yêu cầu nhưng mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế được chú trọng và coi trọng. Doanh nghiệp trong cả nước đang có sự chuyển mình và phục hồi tích cực.

Lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm để đưa ra mọi quyết sách - Ảnh 6.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

"Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Đây là con số ấn tượng mà chúng ta đã đạt được trong quý I năm nay nhờ sự điều hành của Chính phủ", TS. Tô Hoài Nam thông tin.

Ông Tô Hoài Nam cho biết thêm, tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471.200 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 243.500 lao động, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký.

Nhận định về các con số trên, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, nền kinh tế đã đạt được kết quả tích cực trong quý I/2022.

"Tôi nhận thấy các chính sách, điều hành, thông điệp của Chính phủ rất cụ thể, rõ ràng, sát thực với quyền và nghĩa vụ của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy Chính phủ đã luôn đồng hành, từng bước sát cánh giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu được và bắt tay nhanh vào phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19".

Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển của Chính phủ. Niềm tin luôn thắp sáng, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng với sự điều hành của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển vững chắc.

Giang Oanh - Hoàng Giang
Ý kiến của bạn