Lấy lại "phong độ" cho xuất khẩu đồ gỗ

Xuất nhập khẩu
11:17 AM 23/02/2023

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm 2 con số trong tháng đầu năm 2023. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7 - 9%, xuất khẩu 18 tỷ USD, các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phù hợp, chiếm lại ưu thế thị trường cũng như định hình chuỗi giá trị ngành gỗ trong tương lai.

Xuất khẩu gỗ giảm gần 50%

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2023 đạt 806 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 12/2022 và giảm 48,6% so với tháng 01/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 491,7 triệu USD, giảm 43,8% so với tháng 12/2022 và giảm 58,1% so với tháng 01/2022.

Lấy lại "phong độ" cho xuất khẩu đồ gỗ  - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm hơn 60%. Ảnh: VnBusiness

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tháng 01/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh do có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng giảm. Nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ.

Theo đó, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường đều giảm trong tháng 01/2023. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 367,3 triệu USD, giảm 60,4% so với tháng 01/2022. Tiếp đó là thị trường Trung Quốc đạt 132,9 triệu USD, giảm 1%; Nhật Bản đạt 129,1 triệu USD, giảm 12,9%...

Riêng tại thị trường Trung Quốc, do tác động của chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc mà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 1/2023 biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, các chuyên gia dự báo triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ tương đối thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, áp lực lạm phát làm giảm sức mua, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics.

Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế , niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra vẫn là những vấn đề không dễ vượt qua.

Lấy lại "phong độ" cho xuất khẩu đồ gỗ  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu Tư

Lấy lại "phong độ" cho xuất khẩu đồ gỗ

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung và sang thị trường EU, Hoa Kỳ nói riêng, hiện Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua các Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đặc biệt là hệ thống các thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành gỗ nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, tận dụng lợi thế của các FTA đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Đồng thời, cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ dán vẫn đang còn nhiều điểm yếu nội tại. Các doanh nghiệp Việt mới tập trung vào chiến lược giá rẻ, chứ không phải là sự độc đáo của sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp Việt bán qua công ty thương mại, khiến các doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin thị trường, không chủ động tiếp cận được khách hàng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp cũng như tìm kiếm khách hàng mục tiêu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh là việc mà các doanh nghiệp buộc phải làm, mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi và cách làm khác nhau, tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược, phân tích xu hướng thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu,.. việc này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải làm thường xuyên và liên tục.

“Bền vững” và “xanh” đang là xu hướng lớn trên thế giới, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành gỗ trong bối cảnh mới. Do đó, kịp thời nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phù hợp sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam chiếm lại ưu thế thị trường cũng như định hình chuỗi giá trị ngành gỗ trong tương lai.

Ngoài ra, trong xu hướng thắt chặt chi tiêu do lạm phát, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ chất lượng đến sự khác biệt trong thiết kế. Những doanh nghiệp đầu tư nhiều trong khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng sẽ thu hút được khách mua hàng quốc tế. Do đó, ngoài việc phát triển sản phẩm mới, doanh nghiệp sản xuất nội thất cần đầu tư nhiều cho đội ngũ bán hàng, phát triển kinh doanh cũng như đẩy mạnh tham gia các hội chợ trong nước lẫn quốc tế để tiếp cận thêm thị trường mới.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.