Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn

Địa phương
09:16 AM 27/02/2023

Sáng 26/2, tại đình Vũ Thạch (13 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đảng ủy, UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Thánh khỏa Ba Sơn và khai mạc Lễ hội đình Vũ Thạch năm 2023.

Dự lễ dâng hương có đồng chí Vũ Đăng Định, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; đồng chí Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận. Về phía lãnh đạo phường Tràng Tiền có ông Nguyễn Quỳnh Tiến, Bí thư Đảng ủy phường; bà Lê Phương Hoàng Yến, Chủ tịch UBND phường; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương.

Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn - Ảnh 1.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn

Di tích đình - đền Vũ Thạch tọa lạc tại số 13 phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nằm trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đình - đền – chùa Vũ Thạch cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100m.

Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn - Ảnh 2.

Đình Vũ Thạch nằm trong cụm di tích đình - đền – chùa Vũ Thạch (13 Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Vào thời Nguyễn di tích thuộc thôn Vũ Thạch, tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo sách ngọc phả lưu trữ tại đình Xuân Đỗ Hạ do Hàn Lâm lễ viện đông các Đại sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào tháng Giêng năm 1572 ghi lại: Xưa vào thời Đông Hán có một đạo nhân quê ở Ái Châu, Thanh Hóa dòng họ Đào và bà họ Tạ. Hai vợ chồng ăn ở phúc đức làm thuốc cứu người tuy nhiên chỉ có mấy người con gái. Ông bà đem tiền của đi cứu khổ khắp nơi, viếng thăm những danh lam thắng cảnh, đền miếu thiêng ông bà đều đến cầu đảo. 

Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền Lê Phương Hoàng Yến đánh trống khai mạc Lễ hội đình Vũ Thạch năm 2023

Thế rồi một hôm nghe ở núi Phượng Hoàng Trang Liệt có đền Sùng Quang rất linh thiêng cầu gì được nấy. Ông bà chuẩn bị lễ vật đến tận nơi bái yết, vào Miếu cầu tự. Đêm ấy bà Tạ Thị đang mơ màng thì thấy một người đàn ông dáng vẻ kỳ lạ đến bảo rằng ông bà ăn ở phúc đức nên trời đã xét đến sớm muộn số phận đã định rồi chớ nên lo lắng, năm sau sẽ sinh quý tử. Ngày hôm sau bà làm lễ tạ rồi trở về nhà, từ đó bà thấy trong người khác lạ rồi có mang. 

Đến giờ Mão ngày 10 tháng 2 năm Quý Mùi, bà sinh được một người con trai. Biết là thần thiêng xuất thế nên ông bà hết lòng chăm lo, nuôi nấng. Năm cậu bé lên 3 tuổi đặt tên là Khỏa, lớn lên học một biết mười, năm lên 7 tuổi đã thông kinh sử, 13 tuổi đã giỏi võ nghệ. Khi 18 tuổi cha mẹ đều mất cả, giặc Tô Định từ phương Bắc xâm lược nước ta. Khi đó có hai chị em là Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa đánh giặc cứu dân, cứu nước, truyền hịch khắp nơi cầu người hiền tài. Nghe theo lời hịch đó Ngài Khỏa đã dốc xuất 200 người đến bái yết tại bản danh của Trưng Vương. Bà liền phong cho ngài là "Tiền đạo Ngô Lộ Tướng quân" và cấp 500 quân để phòng giữa 2 đạo Đông và Bắc.

Quân của Trưng Vương thắng lợi lớn thu được 65 thành, khôi phục lại được giang sơn, đất nước được thanh bình. Ngài trở lại Hoa Đông ấp cùng quân sĩ làm lễ khải hoàn tiếp tục đồn trú đóng quân tại đây. Ít lâu sau, Ngài hóa thân chính tại đất làng Xuân Đỗ Hạ, phường Cự Khối, quận Long Biên ngày nay. Tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài, Hai Bà Trưng đã cho lập đền thờ, sắc phong cho Ngài là Tiên quân – đô úy sứ.

Rước kiệu theo nghi lễ truyền thống đi qua phố Bà Triệu – Hai Bà Trưng - Hàng Bài - Hàng Khay - Bà triệu và an vị tại đình

Để ghi nhận công đức lớn lao của Ngài các triều vua đã sắc phong cho Ngài "Dực tán, trung hưng tửng bại, tối linh đại vương…"; tại đình Vũ Thạch còn lưu giữ 5 sắc phong của các Vua Triều Nguyễn: 01 sắc phong Vua Thành Thái 1889, 01 sắc phong Vua Gia Long 1802, 02 sắc phong Vua Tự Đức năm 1852 và 1879, 01 sắc phong Vua Đồng Khánh 1886.

Đình Vũ Thạch với hơn 1000 năm lịch sử, là một di tích kiến trúc nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội, đã được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986. Đã được nhiều lần đầu tư tu bổ, tôn tạo và hoàn thành, gần đây nhất là vào tháng 2 năm 2022 khiến cho đình càng tôn nghiêm, quy mô, bề thế hơn trước, nhưng vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Thế kỷ 19.

Nhân dịp kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Thánh khỏa Ba Sơn, Đảng ủy - UBND phường Tràng Tiền tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn và Lễ hội Đình Vũ Thạch, để ôn lại một trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và cuộc sống hạnh phúc hôm nay.

Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn - Ảnh 5.

Lễ dâng hương kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh khỏa Ba Sơn - Ảnh 6.

Lễ hội đình Vũ Thạch năm 2023 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ

Đây là dấu ấn văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về truyền thống yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa lịch sử Quốc gia khu phố cũ, hướng mọi người về với cội nguồn dân tộc, để mỗi người bày tỏ tấm lòng thành kính đối với công đức của cha ông, tôn thờ những vị thánh, những anh hùng văn hóa có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Qua đó, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong lao động sản xuất, công tác, học tập để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trước khi tổ chức Lễ chính, Ban tổ chức Lễ hội đã thực hiện các nghi lễ như: Khóa lễ phát tấu cúng phật - Thánh khỏa Ba Sơn; Tụng kinh dược sư cầu quốc thái dân an. Đặc biệt, sáng sớm ngày 26/2 đã tổ chức rước Kiệu (theo nghi lễ truyền thống) bắt đầu khởi hành theo lộ trình từ phố Bà Triệu – Hai Bà Trưng – Hàng Bài – Hàng Khay – Bà Triệu và an vị tại đình.

Trong thời gian diễn ra Lễ hội tại đình Vũ Thạch sẽ có các hoạt động như: Biểu diễn Chầu văn, hát xẩm, chèo, quan họ; múa sư tử, biểu diễn võ thuật…

 

Vy Linh - Tri Thức
Ý kiến của bạn
Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI

Ngày 27/11, tại Hà Nội, sự kiện thường niên Internet Day 2024 sẽ diễn ra với chủ đề "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI)". Đây là cơ hội để ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nhìn lại những thành tựu và đặt nền móng cho những bước phát triển đột phá trong thời đại công nghệ kết nối hiện đại.