Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay

Tiếp thị
06:16 PM 10/02/2023

Theo Ban tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh.

Ngày 10/2, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Lễ hội có nhiều điểm mới và kỳ vọng sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch, trong đó có khách quốc tế.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh 1.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

"Thủ phủ Cà phê của Việt Nam" kỳ vọng xuất khẩu cà phê có hàm lượng công nghệ cao

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có nhiều điểm mới và khác biệt so với lễ hội lần thứ 7 năm 2019. Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại, làm nổi bật chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là "Thủ phủ Cà phê của Việt Nam", có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà kỳ vọng cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt nói chung chuyển sang sản phẩm xuất có hàm lượng công nghệ cao, có trí tuệ, có văn hóa để nâng tầm giá trị.

"Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được định hướng tổ chức 2 năm 1 lần nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Tuấn Hà nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, năm 2022, xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk được 1,5 tỷ USD, trong đó 80% là kim ngạch xuất khẩu cà phê. Hạt cà phê đã đến với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Ngoài hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương thì các doanh nghiệp rất chủ động. Các doanh nghiệp đang từng ngày, từng giờ, từng phút trước hết vì kết quả kinh doanh của đơn vị, sau là để bạn bè năm châu biết đến giá trị, tinh túy, tinh hoa của cà phê.

Kỳ vọng của chúng tôi làm sao có thể chuyển cà phê đang xuất thô (4 tỷ USD năm 2022) chuyển sang sản phẩm xuất có hàm lượng công nghệ cao, có trí tuệ, có văn hóa trong đó để giá cà phê xuất khẩu của chúng ta không bị bấp bênh, và được giá cao. Giá cao thì nền kinh tế bền vững, giải quyết nhiều việc làm, cuộc sống của người dân tốt hơn", ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ.

Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" đặc sắc với 18 hạng mục, đón khoảng 50.000 khách du lịch

Bên cạnh các nội dung khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố..., lễ hội lần này sẽ có 18 hoạt động chính thức và các hoạt động hưởng ứng lễ hội của các địa phương như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề: "Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột"; biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn"; Lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề: "Văn hóa cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo văn hóa thế giới" và "Lịch sử cà phê thế giới"; cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Lễ hội đường phố, Ngày hội cà phê miễn phí, Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, Triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội Voi Bản Đôn, Hội đua thuyền độc mộc, Tour trải nghiệm, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê...

Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk rất chủ động trong phát triển và nâng tầm giá trị hạt cà phê mang thương hiệu Việt với chất lượng cao, bán vào thị trường khó tính nhất.

Về công tác chuẩn bị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết, công tác chuẩn bị cho sự kiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng đón khách du lịch. Tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, lễ hội lần này thu hút được khoảng từ 46.000 – 50.000 du khách, bằng lượng khách dự lễ hội lần thứ 7 (thời điểm trước dịch Covid-19).

"Năm 2019, lễ hội diễn ra 7 ngày, lượng khách đến khá đông. Năm nay, mặc dù lễ hội chỉ diễn ra 5 ngày nhưng với nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức cùng nhu cầu du lịch lớn của du khách, chúng tôi kỳ vọng lượng khách đến với Đắk Lắk vào tháng 3 tới sẽ khoảng 50.000.

Chỉ tính trong 7 ngày nghỉ của dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi đã đón 130 nghìn lượt khách.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú từ 1 đến 5 sao, Đắk Lắk có thể đón 12.000 khách/đêm, vì thế, tỉnh có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của lượng du khách đông trong lễ hội lần này", ông Thái Hồng Hà chia sẻ.

Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh 4.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" hy vọng mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất tới du khách trong nước và quốc tế.

Về hoạt động xúc tiến thương mại và liên kết du lịch với các trung tâm du lịch lớn, ông Thái Hồng Hà cho biết, cơ quan quản lý du lịch của tỉnh Đắk Lắk đã có ký kết hợp tác về quảng bá, hợp tác du lịch với Sở Du lịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội đã có 3 đoàn khảo sát, để xây dựng sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội - Đắk Lắk. Đắk Lắk và TP HCM cũng có những ký kết về phát triển du lịch của hai bên.

Tại lễ hội lần này, Ban tổ chức tiếp tục mời Hoa hậu H'Hen Niê làm đại sứ truyền thông và đội ngũ những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cũng tham gia để góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là "Thủ phủ cà phê" của Việt Nam đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Gia đình Hen là gia đình thuần nông và trồng và phê. Hen rất tự hào và hạnh phúc khi được lan tỏa những điều tuyệt vời, những điều quý giá nhất từ nơi mà Hen sinh ra. Hen rất hạnh phúc khi trở thành đại sứ truyền thông, góp phần để cà phê ngày càng phát triển, giúp cho người nông dân trồng cây cà phê thay đổi cuộc sống của họ. Hen mong là lễ hội cà phê về Buôn Ma Thuột vươn tầm thế giới, lúc đó, niềm tự hào, hạnh phúc của người trồng cà phê tốt lên rất nhiều. Em muốn đồng hành cùng quê hương để giúp quảng bá, đầu tư, phát triển, để mọi người về Buôn Mê Thuột nhiều hơn", Hoa hậu H'Hen Niê nói.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.