Lễ hội Chùa Keo - Nét đẹp văn hóa cổ truyền của quê hương Thái Bình
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội chùa Keo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, du khách đối với di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, chiều 10/10, UBND huyện Vũ Thư đã thành lập hội đồng thẩm định nội dung chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội Chùa Keo mùa thu năm 2023.
Lễ hội Chùa Keo mùa thu năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 29/10 (tức từ ngày 10 - 15/9 năm Quý Mão). Chương trình nghệ thuật khai mạc có chủ đề “Linh thiêng đất Phật” mang âm hưởng sử thi, dự kiến diễn ra vào ngày 24/10/2023 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư).
Lễ hội được tổ chức với mong muốn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia gìn giữ, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Lễ hội Chùa Keo có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân, là hình thức sinh hoạt văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và cộng đồng làng xóm.
Hiện nay, cùng với di tích Chùa Keo, lễ hội Chùa Keo đã trở thành sự kiện du lịch hấp dẫn du khách đến với Thái Bình. Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã phân cấp, giao huyện Vũ Thư lập Ban Quản lý di tích để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích, lễ hội.
Quy trình thực hành lễ hội và các nghi thức liên quan trong lễ hội được cộng đồng tổ chức và thực hiện gần nhất với nghi lễ truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian đã được khôi phục nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội Chùa Keo.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan trong vai trò Cố vấn lịch sử cho Ban tổ chức lễ hội chia sẻ: "Đất nước chúng ta có một di sản lớn về văn hóa, đó là lễ hội.
Về mặt thời gian mở hội, chúng ta đang có 2 loại hình chính là lễ hội mùa xuân và lễ hội mùa thu. Lễ hội mùa xuân khá phổ biến vì đây là mùa phù hợp với thời vụ làm lúa và có ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc. Lễ hội mùa thu mới chính là lễ hội gốc của dân tộc, phù hợp với thời tiết phương Nam, hợp với phương thức sống bằng sản xuất nông nghiệp. Cách đây hơn 2000 năm chúng ta chỉ có một vụ là lúa mùa, cho nên lễ hội mùa thu mới là cổ nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử và khí hậu tự nhiên.
Sách "Thái bình hoàn vũ ký" chép "Người Việt cổ không biết lịch của Trung Quốc, không biết ngày đầu năm nên cứ lấy mùa thu là vào tháng 9 (Âm lịch) làm ngày đầu năm và mở hội". Vì thế lễ hội mùa thu mới là lễ hội cổ truyền nhất, lâu đời nhất của dân tộc. Đến nay, còn rất ít địa phương bảo lưu được lễ hội mùa thu. Lễ hội Chùa Keo là một trong số đó".
Tuy nhiên, lễ hội Chùa Keo lại đặc biệt hơn cả khi tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo có tới 2 lễ hội: Đó là Lễ hội mùa xuân (ngày mồng 4 tháng Giêng) và Lễ hội mùa thu (tháng 8 âm lịch). Song Lễ hội mùa thu mới là lễ hội chính trong năm bởi có quy mô tổ chức lớn hơn, kéo dài nhiều ngày. Ở đó hội tụ đầy đủ nhất, đặc sắc nhất những lễ tục cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ, qua cả những biến thiên của chiến tranh và thời gian. Giá trị của lễ hội Chùa Keo đã bảo lưu những giá trị lịch sử lâu đời nhất, cổ truyền nhất.
"Chúng ta đang có một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vô cùng quý giá đó là lễ hội Chùa Keo - nằm trong không gian văn hóa của lễ hội vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Lễ hội có cấu trúc và đặc trưng vùng miền nên các tiết mục của lễ hội thuộc loại hình hiếm, quý và phong phú, phản ánh rất rõ nét văn minh nông nghiệp lúa nước của nền tảng phát triển kinh tế xã hội của dân tộc", Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nói.
Chùa Keo
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.