Lễ hội đình Mè: Nơi lưu giữ bản sắc xứ Đông văn hiến

Địa phương
06:58 PM 09/02/2023

Sáng 08/02/2023, tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão, Lễ hội đình Mè (xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã tưng bừng diễn ra, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương về tham quan, chiêm bái.

Đã từ rất lâu, trong tâm thức của người dân xã Hồng Lạc, Lễ hội đình Mè trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo. Theo dòng chảy thời gian, Lễ hội ngày càng có sức sống bền bỉ, trường tồn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân.

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi cây cối dâm chồi nảy lộc, khắp làng trên xóm dưới lại nô nức tiếng trống khai hội. Đình Mè trở thành nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của địa phương, là chốn "về nguồn" ý nghĩa trong tâm linh của mỗi người con trên quê hương Hồng Lạc - quê hương vải thiều xứ Đông văn hiến.

Lễ hội đình Mè: Nơi lưu giữ bản sắc xứ Đông văn hiến  - Ảnh 1.

Đoàn rước lễ kéo dài trên đường 390B, theo sát đoàn là lực lượng an ninh, cán bộ xã Hồng Lạc phối hợp phân luồng giao thông, hướng dẫn đoàn rước lễ.

Đình Mè là một ngôi đình nổi tiếng trên mảnh đất xứ Đông xưa, thờ nhị vị Thành Hoàng làng Đại Điền có tên húy là: Đào Công Dực và Đào Công Quảng. Hai vị Thành Hoàng có công phò vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương năm 542. Tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị, sau khi hai ngài hiển hóa, nhà vua đã phong cho hai ngài làm Thành Hoàng làng Đại Điền, lập nên ngôi đình Mè để thờ nhị vị.

Qua các triều vua phong kiến đã phong cho tướng quân Đào Công Dực là Thượng đẳng phúc thần, tướng quân Đào Công Quảng là Trung đẳng phúc thần và phong cho em gái của nhị vị Thành Hoàng là Liên Hoa Công chúa được thờ trong ngôi miếu cạnh đình, dân làng quen gọi là Miếu Bà Cô.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Mè là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí bí mật, che giấu cán bộ cách mạng và là nơi họp của Chi bộ. Hòa bình lập lại, ngôi đình đã trở thành lớp bình dân học vụ cho nhân dân địa phương.

Sau nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh ngôi đình bị tàn phá, xuống cấp nặng nề, nhân dân xã Hồng Lạc đã tiến hành trùng tu nhiều lần nên đã rộng rãi và khang trang hơn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Lễ hội đình Mè: Nơi lưu giữ bản sắc xứ Đông văn hiến  - Ảnh 2.

Đặc sắc nhất trong phần lễ của Lễ hội đình Mè là rước “ông” lợn với sự tham gia của 06 thôn, bao gồm: Đông, Bắc, Nam, Đoài, Đồng Vang và Đồng Hởi.

Với những giá trị to lớn về lịch sử như vậy, đình Mè đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2010. Lễ hội đình Mè được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, thu hút được hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương về vui xuân trẩy hội.

Đặc biệt, Lễ hội đình Mè còn có tục rước lợn hết sức độc đáo. Trong làng Đại Điền xưa gồm 06 thôn: Đông, Bắc, Nam, Đoài, Đồng Hởi và Đồng Vang. Mỗi thôn sẽ rước 01 "ông lợn" nặng từ 3 - 4 tạ được chính người dân trong thôn nuôi. Thôn nào có "ông lợn" trang trí đẹp, to sẽ dành điểm cao và được đi đầu trong đoàn rước lễ về tế Thành Hoàng. Nét độc đáo này bắt nguồn từ tục lệ trước khi ra trận nhị vị Thành Hoàng đều cho mổ lợn khao quân để khích lệ, động viên quân sĩ đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Lễ hội đình Mè: Nơi lưu giữ bản sắc xứ Đông văn hiến  - Ảnh 3.

Đông đảo đại biểu và nhân dân tới tham quan, chiêm bái Lễ hội đình Mè.

Năm nay, Lễ hội đình Mè xã Hồng Lạc được tổ chức long trọng gồm 02 phần, phần lễ và phần hội.Trong phần lễ, các thôn đã chuẩn bị những mâm lễ chay, những "ông lợn" to, đẹp để tiến dâng lên nhị vị Thành Hoàng, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, nhân dân no ấm. Nhờ sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, có được "ông lợn" to đẹp nên thôn Bắc đã vinh dự được giải Nhất.

Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian, truyền thống như chọi gà, kéo co, đập niêu,… rất vui nhộn. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội đã mời đội văn nghệ ở tỉnh Bắc Ninh về hát quan họ trên hồ phục vụ người dân.

Chia sẻ với PV, bà Lương Thị Ngát - cán bộ phụ trách công tác văn hóa xã Hồng Lạc cho biết: Sau 02 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, chính quyền địa phương cùng với Ban Quản lý di tích đã lên kế hoạch, tổ chức lễ hội thật trang trọng, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Lễ hội đình Mè: Nơi lưu giữ bản sắc xứ Đông văn hiến  - Ảnh 4.

Quang cảnh Lễ hội đình Mè nhìn từ bên kia sông.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 17 và 18 tháng Giêng với chủ đề "Truyền thống - An toàn - văn minh - thân thiện". Ban Tổ chức lễ hội đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh lễ hội độc đáo, vui tươi, thân thiện, mến khách đến nhân dân nhằm lưu giữ và trao truyền lịch sử cho thế hệ mai sau.

Do còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và vùng xứ Đông nói riêng, nên Lễ hội đình Mè đã thu hút được hàng ngàn người dân về thăm quan, trẩy hội xuân. Lễ hội đình Mè là trải nghiệm thú vị cho du khách hành hương khi mỗi độ xuân về.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 38% so với năm 2019 Giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 38% so với năm 2019

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng. 38% so với năm 2019. Thậm chí, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng 5 - 10 năm, những nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá lên cao