Lễ hội đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định về việc công nhận lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đình Tường Phiêu (còn gọi là đình Cả) nằm ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội được xây dựng vào khoảng năm 1430, và được tu bổ nhiều lần từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Đình Tường Phiêu thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng (Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng).
Đình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng và công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đình Tường Phiêu mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài.
Ở đình Tường Phiêu mỗi năm có 4 lễ tiết, riêng lễ hội Rằm tháng Giêng (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất, kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng. Trong đó, nghi lễ rước Thánh ban đêm hết sức thiêng liêng và đặc sắc. Các lễ tiết khác ở đình diễn ra vào: Ngày 14 tháng 5 âm lịch (ngày lễ thánh tạ thế), ngày 15 tháng 8 âm lịch (lễ nhân ngày thánh được phong chức) và ngày 15 tháng Chạp (lễ tế tạ).
Theo phong tục truyền thống, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu sẽ tổ chức lễ hội rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo). Lễ rước diễn ra vào ban đêm.
Tục rước kiệu đêm của làng Tường Phiêu xuất phát từ truyền thuyết về Thánh Tản: Trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy, ngài và đoàn tùy tùng đã trở về núi vào ban đêm khá muộn. Khi lưu luyến tiễn ngài và đoàn tùy tùng, dân làng đã dùng cây khô làm đuốc để soi đường và để chiêm ngưỡng đức Thánh được lâu hơn.
Để tưởng nhớ và lưu lại muôn đời cho con cháu về cảnh tiễn đưa hoành tráng và đầy lưu luyến của dân làng đối với đức Thánh khi về núi, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu đã tổ chức lễ hội rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo) để các ngài thăm lại chốn thờ tự xưa và đức Thánh thăm lại nơi đã tuần du và giúp dân làng đánh cá, trị thủy...
Những bó đuốc năm xưa nay thể hiện bằng các cây đình liệu và đuốc rồng. Phong tục rước kiệu Thánh về đêm được hình thành từ đó và duy trì đến nay.
Lễ hội đình Tường Phiêu là một trong số những lễ hội tiêu biểu của vùng đất xứ Đoài xưa, nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh các nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền.
Lễ hội đình Tường Phiêu chính là một pho sử sống động về lịch sử văn hóa xứ Đoài, cần thiết được bảo tồn lâu dài cho mọi thế hệ nhân dân được chiêm ngưỡng. Trải qua bao biến cố bất thường của lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn trang nghiêm bên sông Tích như một nhân chứng bất tử cho truyền thống văn hiến của quê hương.
Về dự lễ hội đình làng Tường Phiêu, nhân dân và du khách còn được thăm quan, thắp hương, vãn cảnh tại chùa Ngo, sẽ được lạc vào không gian xưa với những hình ảnh đậm chất Tết xưa với cây đu; nồi bánh chưng Tết chiều cuối năm; chiếc cối xay lúa; mùi khói lam chiều trong căn bếp nhỏ xưa; hình ảnh người mẹ ướt đẫm vai áo bên chiếc cối giã gạo… Tất cả đều được tái hiện một cách sinh động và chắc chắn sẽ chạm vào ký ức của mỗi du khách.
Ngọc MỹCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.