Lễ hội Thổ Hà: Độc đáo nét văn hóa xứ Kinh Bắc

Địa phương
08:45 AM 15/11/2024

Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyệt Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không chỉ thu hút du khách bằng những mảng tường sành, những ngôi đình cổ, những nghề truyền thống mà còn bởi những nét đẹp phi vật thể được gìn giữ lâu đời, trong đó có Lễ hội Thổ Hà mà dân gian vẫn quen gọi là hội “Đến hẹn lại lên” được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm...

Lễ hội Thổ Hà là dịp để người dân trong làng tỏ lòng biết ơn đối với vị sư tổ nghề Đào Trí Tiến người đã có công truyền nghề gốm cho nhân dân trong làng vào thế kỷ thứ XII. Lễ hội Thổ Hà cho đến nay vẫn duy trì, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của lễ hội truyền thống xứ Bắc. Đến với lễ hội làng Thổ Hà, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa giàu bản sắc với phần lễ và phần hội.

Tiêu biểu nhất phần lễ là lễ rước từ các xóm, thôn trong làng để tổ chức rước kiệu ra đình với hàng trăm người, đều là nam thanh nữ tú, trong trang phục trang trọng, rực rỡ. Đặc biệt tham gia vào đoàn rước có bộ tam đa Phúc - Lộc - Thọ (tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, và sức khỏe, tuổi thọ) cùng cặp Tiên đồng, Ngọc nữ được dân làng hóa trang trong lễ rước. 

Theo đó dẫn đầu là đoàn múa lân, đội bát nhã đủ cả kèn, trống, nhị, thanh la tạo nên một không gian lễ hội vô cùng sôi động với đầy đủ màu sắc sặc sỡ và âm thanh náo nhiệt. Đi sau 3 ông Phúc - Lộc - Thọ còn có ông Tổng Cờ, Tổng Kiếm, Tổng Tiết, Tổng Chiêng. Mỗi ông đại diện cho một đoàn quân.

Lễ hội Thổ Hà: Độc đáo nét văn hóa xứ Kinh Bắc- Ảnh 1.

Bộ Tam đa Phúc - Lộc - Thọ do người dân hóa trang tham gia đoàn rước

Tiếp sau đó là đoàn rước kiệu thánh và kiệu mẫu cùng bàn thờ ngai vị đi kèm với đội múa sinh tiền; bên cạnh đó tại lễ vật dâng thánh còn có một con bò thui phủ kín bằng vải lụa, ngoài ra còn có rất nhiều lễ vật được các xóm, dòng họ, gia đình dâng lên thánh thần. Lễ rước từ các xóm đến đình làng Thổ Hà không bao xa, chỉ khoảng vài trăm mét nhưng các đoàn rước cũng phải mất 2 giờ đồng hồ mới đến nơi do nhiều nghi lễ kèm theo. 

Đoàn rước sẽ đến nơi Chủ tế với trang phục truyền thống đứng ở bậc tam cấp đón. Khi mọi người đã yên vị, lễ tế mới được bắt đầu với những nghi thức long trọng. Tất cả đều tỏ lòng thành kính mời Thánh về dự hội cùng dân làng và cầu xin Thánh phù hộ cho dân làng một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc.

Sau phần lễ là phần hội. Phần này hết sức sinh động và giàu bản sắc văn hóa với các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, bơi trải, đấu vật, chơi cờ, chèo thuyền bắt vịt… nhưng tiêu biểu nhất là hát quan họ. 

Thổ Hà được coi là một làng gốc của nghệ thuật hát quan họ cổ. Trong thời gian diễn ra lễ hội các liền anh, liền chị của các thôn lân cận và các liền anh liền chị của tỉnh Bắc Ninh về dự hội trổ tài hát cả ngày lẫn đêm tại sân đình hay trên thuyền.

Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không khí hội xuân với các liền anh, liền chị xúng xính áo mớ ba, mớ bảy, nón thúng quai thao, áo the khăn xếp dập dìu canh quan họ thâu đêm, suốt sáng. Lời hát thấm đượm trữ tình làm say lòng bao du khách gần xa.

Lễ hội Thổ Hà: Độc đáo nét văn hóa xứ Kinh Bắc- Ảnh 2.

Hát quan họ trên sông tại lễ hội

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Thổ Hà được Nhà nước ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012.

Mỗi dịp Xuân về chảy hội Thổ Hà, du khách còn được thăm quan trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của một làng quê thuần Việt mà ít nơi nào có được. Đây là một làng cổ đặc trưng với một quần thể công trình kiến trúc đa dạng, độc đáo trải dài từ đầu làng tới cuối làng với 3 di tích được hạng cấp quốc gia; một bảo vật quốc gia như đình Thổ Hà - di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962.

Đặc biệt tại ngôi đình có bức cửa võng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021; Chùa Thổ Hà - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996; Văn chỉ làng Thổ Hà - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999….

Bên cạnh đó du khách được chiêm ngưỡng cổng làng cổ kính, giếng cổ, hay những con ngõ nhỏ rêu phong được làm bằng gạch nung, gốm, tiểu sành. Đồng thời ghé thăm các gia đình làm nghề truyền thống như nghề nấu rượu, làm bánh đa nem, bánh khúc tai mèo…

Lễ hội Thổ Hà được tổ chức từ 19 - 21 tháng Giêng (tức ngày 28/2 đến 1/3/2024) và diễn ra 2 năm một lần vào những năm chẵn.

Lê Mạnh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.