Lệ Mật- Làng nghề nổi tiếng với nghề nuôi bắt rắn
Làng nuôi rắn Lệ Mật, một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Kinh kỳ từ thế kỷ XI (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên). Nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn là một nghề độc đáo của Lệ Mật mà ít nơi có được.
Làng nghề độc nhất Việt Nam
Tương truyền nghề nuôi rắn ở Lệ Mật có từ rất lâu rồi, còn cụ thể thời gian nào thì cũng không ai nhớ chính xác. Nghe các cụ trong làng kể rằng, vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, thủy quái xuất hiện, bắt công chúa. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi diệt thủy quái nhưng không ai làm được.
Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật võ nghệ cao cường lại có tài bơi lội xin vua cho đi. Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã diệt được thủy quái. Nhà vua ban thưởng cho chàng trai họ Hoàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau khi "khai làng lập ấp", chàng quay về củng cố làng cũ. Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn cũng bắt nguồn từ đó.
Theo ông Nguyễn Danh Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng không giấu nổi niềm vui: Với người dân Lệ Mật, hình tượng con rắn đã trở thành biểu tượng của làng, nghề bắt và nuôi rắn là nghề chính hoặc duy nhất của nhiều gia đình ở đây.
Rắn ở Lệ Mật chủ yếu là hổ mang chúa, hổ ngựa và rắn ráo. Thực khách đến các nhà hàng trong làng sẽ được thưởng thức thịt rắn đủ món và tận mắt chứng kiến công đoạn bắt rắn ly kỳ. Tuy nhiên những thủ thuật bắt rắn để cắt tiết, bẻ răng nanh khá "rùng rợn", có lẽ không dành cho các thực khách yếu tim.
Ngoài nuôi rắn, người dân ở đây còn làm du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương vừa để du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề.
Tự hào về nghề nuôi bắt rắn
Ông Nguyễn Đức Huy- một người thợ nuôi rắn giỏi ở làng cho biết: Không rõ truyền thuyết này chân thật tới đâu, nhưng làng Lệ Mật nuôi rắn làm dược liệu, làm thuốc ngâm rượu cũng vài trăm năm nay. Tới khoảng 20-30 năm nay thì làng Lệ Mật bắt đầu sử dụng rắn làm món ăn và được biết tới như một làng ẩm thực. Ngọn lửa truyền thống của làng nghề từ thời ông cha xưa đã được gìn giữ cho đến tận hôm nay.
Làng Lệ Mật nổi tiếng với nghề nuôi rắn và chế biến đặc sản thịt rắn, được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "làng nghề truyền thống" từ năm 2011.
Mỗi kilôgam thịt rắn tại Lệ Mật hiện có giá thành khoảng 800.000 đồng. Chúng còn được các nhà hàng giới thiệu với công dụng chữa bệnh xương khớp, tăng cường sinh lực, tiết rắn chữa đau đầu và mật rắn chữa viêm họng.
Hiện nay ở Lệ Mật có 35 hộ gia đình vẫn nuôi rắn tại làng. Là làng rắn nổi tiếng, Lệ Mật vẫn có những đặc trưng của làng cổ Hà Nội. Làng còn có cụm di tích đình, chùa, miếu, giếng và tam quan với kiến trúc và cảnh quan đẹp, là điểm đến trong các tour du lịch văn hóa tâm linh kết hợp ẩm thực làng nghề.
Hàng năm, lễ hội làng Lệ Mật được tổ chức từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch, chính hội là ngày 23 tháng 3. Đây là lễ hội truyền thống với ba hoạt động lớn. Một là rước nước cùng với lễ Đả Ngư (đánh cá ở giếng làng). Hai là trò diễn diệt Giao long, mô tả và tái tạo theo thần tích Đức thánh Thành hoàng Lệ Mật. Trò này là điệu múa rắn độc đáo ở sân đình với con rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải. Ba là lễ rước Thập tam trại.
Minh ĐăngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.