Lễ quốc tang tiễn biệt, tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Lễ quốc tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu diễn ra trong hai ngày, được bắt từ 8h hôm nay, ngày 14/8.
Trong làn mưa bay ngâu rả rích từ đêm tới sáng, dòng người nối dài đến Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Đúng 8h, sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giới thiệu tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng. Tiếp theo là các đoàn Chính phủ, đoàn Quốc hội, đoàn Chủ tịch nước, Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng tham gia đoàn viếng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi các vòng hoa viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Cùng thời gian, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM và Hội trường 25B tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ viếng.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trút hơi thở cuối cùng lúc 2h52 ngày 7-8 tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi. Ông sinh ngày 27-12-1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trước khi trở thành Tổng bí thư của Đảng (1997-2001), ông Lê Khả Phiêu có hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, từ một người lính trưởng thành đến các cấp bậc chỉ huy, trải qua ba cuộc chiến tranh (chống Pháp, kháng Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot). Dấu chân của anh "bộ đội cụ Hồ" Lê Khả Phiêu có ở khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam, Lào, Campuchia, gần sáu mươi tuổi ông mới trở lại Hà Nội giữ nhiệm vụ Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người khởi động công tác chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, gắn với việc ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai). Thời gian ông giữ chức Tổng bí thư cũng gắn với nhiều sự kiện đối ngoại, hội nhập quan trọng của đất nước. Năm 2000, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội - sự kiện đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ.
Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, viết: "Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương Sao vàng, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế".
Ban lễ tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có 35 thành viên do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Lễ truy điệu ông được tổ chức vào 12h30 ngày 15-8, lễ an táng lúc 14h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Trong thời khắc vĩnh biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, trong tâm khảm mỗi người dân nói chung, giới doanh nhân Việt Nam nói riêng bồi hồi nhớ tới ông như nhớ tới một người đã có quyết sách táo bạo mở cửa thị trường viễn thông, mở đường cho internet vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam bước vào nền kinh tế số. Ông cũng là người đã dũng cảm đột phá để bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân bằng chủ trương "thí điểm" không hình sự hoá các quan hệ kinh tế - dân sự. Nguyên Tổng bí thư đã từng phát biểu: Nền kinh tế đất nước như một con thuyền mà Đảng ta là người lái còn các doanh nghiệp, doanh nhân chính là những tay chèo.
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.