Lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài

Địa phương
07:10 PM 25/02/2023

Đình làng Ngô Sài ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây thờ hai vị thần Thành Hoàng làng là Ả Lã Nàng Đề - công chúa, con gái vua Hùng đời thứ 7 và Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc – Danh tướng của Vương triều Ngô.

Đình được cấu trúc theo hình chữ Tam gồm đại bái, tiền tế và cung đình. Từ Thủy đình vào cổng, qua gian nhà Đại bái (mới được tôn tạo lại) đến một sân gạch nhỏ, hai bên tả mạc hữu mạc, rồi đến khu vực thờ tự chính của đình mà các cụ trong làng thường gọi là cung đình. Cung đình có kiến trúc hình chữ Đinh, kiến trúc chồng diêm với hai tầng tám mái, các đầu đao uốn lượn thành rồng, thành những cánh hoa khóm lá. Bờ nóc là lưỡng long chầu mặt trời. Cung đình gồm trung cung và hậu cung. Đình làng Ngô Sài lưu lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, nhiều nét kiến trúc có giá trị văn hóa quý hiếm như các bức chạm rồng, đao mác, mây lửa, những cổ long đình, án thư, các tượng tròn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. 

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 1.

Lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 2.

Đoàn xe của các Giáp đi đón sắc và Long ngai

Trước đây, Đình còn lưu giữ nhiều sắc phong thời Hậu Lê và thời Nhà Nguyễn ban cho các vị Thành Hoàng làng. Trải qua nhiều biến động lịch sử của đất nước kèm theo một số yếu tố khách quan nên các bản Thần sắc của làng bị mất. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan, ban ngành, tổ chức và sự đồng lòng của Nhân dân Ngỗ Sài nên các bản Thần sắc đã được tìm và phục chế lại bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ban quản lí Di tích Đình làng Ngô Sài cùng toàn thể Nhân dân đã thiết lập hoàn thiện hai bộ Long ngai để nghiêm trang nơi thờ tự.

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 3.

Thủy đình Ngô Sài trong Ngày Đại lễ Xuân Quý Mão

Tương truyền rằng Công chúa Ả Lã Nàng Đề là người có công giúp dân địa phương khai phá đất đai, mở mang xóm làng, be bờ, đắp đập, trị thủy dòng nước, tìm thuốc giữ yên sức cho dân, dạy dân làm bún, làm bánh khiến Sài Trang xưa thành một vùng dân cư ổn định, để rồi các đời sau cứ thế tiếp nối. Có Thần phả khác cho biết, Ả Lã Nàng Đề là tướng quân tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng và có công đánh giặc cứu nước. Bà được sắc phong mỹ tự: Quốc vương Thiên tử Ả Lã Nương Đề Dẫn  vương Lưỡng vật Trị thủy Hải phụ Chính diễn, gia phong Dũng nghị Trung thần Thuần mỹ Long vương. Nhân dân làng Ngô Sài và quanh vùng thường gọi là "Vua Bà". Thần tích còn cho biết thêm: Vì Vua Bà có công giúp vua Ngô dẹp loạn, nên về sau vua Ngô đã phong thần, mời Quốc sư đến xem phong thủy để lập miếu thờ phụng. Khi Quốc sư đến trang Ngô Tề, đã giao lại cho các vị phụ lão của trang 100 quan tiền để xây dựng miếu đường tại xứ Mả Gội trong trang để thờ cúng. Miếu tọa Càn hướng Tốn, kim quy tác án nơi đất ấy sẽ phù cho làng phát triển nhiều về nhân tài tử. Ả Lã Nàng Đề được các triều đại phong kiến sắc phong nhiều lần vào các niên hiệu Cảnh Hưng, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 4.

Đình làng Ngô Sài đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số177/VH- QĐ ngày 05 tháng 3 năm 1990.

Về Thành hoàng Đỗ Cảnh Thạc, theo bản phụng sao Thần tích – Thần sắc của Lý trưởng Nguyễn Văn Kính, làng Ngô Sài, tổng Hoàng Xá, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (trước đấy, là trang Ngô Tề, huyện Ninh Sơn, trấn Sơn Tây) năm 1938 có nội dungt: Đương cảnh Thành hoàng Thạc đức Linh uy Anh vũ Đỗ Vãng Vị  Đại vương. Vào thời Tấn (ở Trung Quốc), thời Nam Tấn vương nhà Ngô, có một gia đình người Quảng Đông, bố là Đỗ Gia Bình, mẹ là Hồ Thị Tinh, ngày 13 tháng 11 sinh được một người con trai, đặt tên là Đỗ Thạc. Khi Đỗ Thạc lớn lên thì làm Nha tướng cho Nam Tấn hoàng đế (tức Nam Tấn vương Ngô  Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô vương Quyền), được tặng cho hiệu là Cảnh công. Khi quần hùng khởi loạn, thì ông được phân làm Sứ quân một vùng Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây. Khi ông làm Sứ quân vùng này, Nhân dân được thái bình, chấn hưng kinh tế, mở mang làng xã, giáo hóa Nhân dân. Do công lao đó, khi ông qua đời, Nhân dân Ngô Sài đã lập miếu thờ phụng mãi mãi, gọi vị Thần Hoàng với danh xưng nôm na là "Vua Ông".

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 5.

Cung đình Đình làng Ngô Sài

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 6.

Lễ vật đang Thánh

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 7.

Theo cụ Nguyễn Tiến Toàn – Phó Ban Di tích thì làng Ngô Sài có 4 giáp là Giáp Đông, Giáp Tây, Giáp Nam và Giáp Bắc. Ở Ngô Sài có Đình làng và hai Quán (hay còn gọi là Miếu), Lễ hội Đình làng Ngô Sài hàng năm thường diễn ra ngày mồng 6 Tháng Giêng hằng năm và Lễ rước là từ Đình ra Miếu. Cách đây khoảng hơn 20 năm, các bản sắc phong bị mất, may mà có Đại đức Thích Đạo Khuê (là một người con của làng Ngô Sài tâm huyết 10 năm 8 tháng) dày công đi tìm lại các Sắc phong lưu lạc của Đình làng Ngô Sài. Thầy Thích Đạo Khê đã đến Viện Hán Nôm, Viện Khoa học lịch sử, Đền Hùng và đã tìm thấy gốc của các bản sắc phong (hiện nay đã tìm thấy 15 bản đem phục chế lại). Kể từ sau đại dịch covid -19, thời gian tổ chức Lễ hội Đình làng Ngô Sài đã có sự thay đổi. Xuân Quý Mão năm nay, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, Nhân dân Ngô Sài tổ chức Lễ hội từ ngày mồng 3 đến mồng 5 Tháng Hai Âm lịch (tức ngày 22 đến ngày 24 tháng 2). Đại lễ năm nay, ngoài các vị lãnh đạo huyện, thị trấn, Nhân dân Ngô Sài còn vình dự được đón Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dự Khai hội.

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 8.

Cụ Nguyễn Tiến Toàn – Phó Ban Di tích và cụ Chức - Ủy viện Hội Người cao tuổi làng Ngô Sài

Đặc biệt trong Lễ hội Ngô Sài thì phần Lễ được tổ chức Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Cụ Chức - Ủy viện Hội Người cáo tuổi, Trưởng một Giáp cho biết: "Lễ rước sắc được tổ chức từ 5 giờ sáng đến 8 giờ 30 Nhân dân đón rước sác vào đình. Khai mạc Đại lễ và rước sắc hoàn cung, dâng hương tế lễ. Buổi chiều Nhân dân các Giáp lại tổ chức Lễ rước sắc quanh làng".

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 9.

Làng Ngô Sài có tỷ lệ hơn 10% dân số là các Cụ cáo tuổi

Phần hội với nhiều hoạt động đáng nhớ, tô thắm thêm màu sắc mùa lễ hội và tình đoàn kết của Nhân dân Ngô Sài. Hội làng Ngô Sài là một trong những Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương. Tại Lễ hội, các thôn tổ chức giao lưu với các cuộc thi như: gói bánh chưng, bánh dày; thi nấu cỗ cúng Thánh nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và sự sáng tạo trong lao động, sản xuất, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giáo dục về cốt cách và đạo lý của ông cha ta, góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị độc đáo của di sản văn hóa.

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 10.

Tưng bừng Ngày Hội làng Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 11.

Lễ hội làng Ngô Sài năm nay thu hút rất đông du khách thập phương

Đại lễ rước sắc và yên vị Long ngai Thành Hoàng làng Ngô Sài - Ảnh 12.

Không khí ngày hội làng


Nhật Thăng - Hiền Anh
Ý kiến của bạn
Triển lãm quốc tế Vietnam AutoExpo 2024 sắp diễn ra tại Hà Nội Triển lãm quốc tế Vietnam AutoExpo 2024 sắp diễn ra tại Hà Nội

Vietnam AutoExpo 2024 đã có trên 300 gian hàng của gần 200 công ty đăng ký tham dự với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, kinh doanh ô tô, xe máy, xe điện, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực liên quan sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm...