Nhà nước thoái hết vốn, SAB sẽ ra sao?
Phiên ngày 3/7, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tăng mạnh sau thông tin Nhà nước sẽ thoái nốt 36% vốn điều lệ tại SAB.
SAB có mức tăng khá ấn tượng khi có thông tin Nhà nước sẽ thoái nốt phần vốn còn lại tại doanh nghiệp này.
Trong 121 doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý và 18 doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước theo danh mục vừa được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký quyết định ban hành. Trong đó, SAB thuộc diện được thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại của Nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2020.
Việc chuyển giao SAB về SCIC cũng được yêu cầu phải hoàn tất trước ngày 30/8/2020, chuẩn bị kế hoạch thoái hết phần vốn Nhà nước còn lại sau khi đã bán 53,59% vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage - công ty "con" của Tập đoàn ThaiBev (Thái Lan) - với trị giá lên đến 5 tỉ USD hồi cuối năm 2017.
Trước đó vào cuối năm 2019, có thông tin cho biết ThaiBev muốn tách mảng bia để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Singapore vào năm 2020 nhằm mục tiêu huy động 2,5 tỷ USD. Động thái này được nhiều người cho là “mồi nhử” để thu hút người mua lại SAB. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn này có văn bản khẳng định không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
"Chúng tôi cam kết phát triển toàn diện hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình tại Việt Nam, đặc biệt đối với Sabeco. Đồng thời, Tập đoàn đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình là đơn vị sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu ngành bia", văn bản của Thaibev cho biết.
Nếu đúng như vậy, thì nhiều khả năng Thaibev sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu ở SAB lên vượt quá 65% để toàn quyền quyết định hoạt động của SAB khi Nhà nước thoái hết phần vốn còn lại ở SAB.
SAB đang có 26 công ty con, 18 công ty liên doanh - liên kết cùng Hội đồng quản trị gồm 7 thành viên do ông Koh Poh Tiong làm Chủ tịch kể từ năm 2018. Đến hết năm 2019, tổng tài sản Sabeco ước đạt 26.962 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 20.076 tỉ đồng, tăng 24,6% so với năm trước đó.
Ngày 30/6/2020, SAB đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch khá dè dặt với doanh thu giảm 37% về 23.800 tỉ đồng, lợi nhuân sau thuế giảm 39% về 3.252 tỉ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của Tổng Công ty.
Không riêng gì SAB, hiện thị trường bia đang đối mặt với nhiều khó khăn do Nghị định 100/2019/NĐ-CP có nhiều quy định xử phạt ngiêm khắc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, và Nghị định 24/2020/NĐ-CP đặt ra quy định khắt khe với tiếp thị và quảng cáo bia. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, du lịch, các hàng quán bia rượu, karaoke… đã tác động mạnh đến doanh số ngành bia nói chung và SAB nói riêng.
Trước những khó khăn, thách thức nói trên, SAB đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó, như giảm vốn lưu động mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm; tạm thời đóng cửa một số nhà máy bia; thuyên chuyển nhân viên bán hàng tại chỗ sang bán hàng mang về; giảm nhân viên bán thời gian kết hợp với dịch vụ thuê ngoài...
Đặc biệt, SAB nâng cấp chuỗi cung ứng để nâng hiệu quả quản lý hàng tồn kho, tăng năng suất, giảm lỗi vận hành, cải thiện kho bãi và tiết kiệm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, SAB triển khai các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại những nhà máy chọn lọc. Ngoài ra, SAB hợp tác với KPMG để thực hiện dự án Sabeco 4.0 để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao quy trình sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp...
Trên thị trường, cổ phiếu SAB đã ở trong trạng thái giảm giá kéo dài từ giữa năm 2019 đến cuối tháng 3/2020. SAB có thời điểm đã chạm mốc 111.000đ/cp vào ngày 23/3/2020, sau đó phục hồi trở lại. Đặc biệt sau khi có thông tin Nhà nước thoái hết vốn tại SAB, thì cổ phiếu này đã liên tục tăng. Trong phiên 3/7, cổ phiếu SAB đã tăng 4,85% lên mức đỉnh cao mới 175.000đ/cp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong trung và dài hạn, cổ phiếu SAB còn nhiều dư địa tăng trưởng khi doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tái cấu trúc theo hướng số hóa hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là sau khi Nhà nước thoái hết vốn. Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh của SAB để mua vào, tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn.
Dương ThùyThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.