Lịch sử vaccine: Từ sản phẩm chẳng ai muốn phát triển đến mỏ vàng ngành dược thời dịch Covid-19

Kinh doanh
07:39 AM 31/07/2021

Ai là người đầu tiên khám phá ra vaccine? Tại sao sản phẩm này lại là hàng "ế" trong mắt các hãng dược trước thời dịch Covid-19?

Vaccine là một chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch chủ động với một bệnh truyền nhiễm cụ thể. Chúng thường chứa các tác nhân giống vi sinh vật gây bệnh và thường được tạo ra từ độc tố hoặc protein của virus đã bị làm suy yếu hoặc đã chết.

Chính vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sau khi tiêm, hệ miễn dịch sẽ coi chúng là mối đe dọa và tạo kháng thể tiêu diệt, đồng thời cũng ngăn ngừa bất kỳ vi sinh vật nào có liên quan đến tác nhân đó trong tương lai.

Lịch sử vaccine: Từ sản phẩm chẳng ai muốn phát triển đến mỏ vàng ngành dược thời dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thuật ngữ vaccine có nguồn gốc từ tiếng Latin "Variolae Vaccinae" nghĩa là "Bệnh đậu bò", được bác sĩ Edward Jenner sử dụng lần đầu vào năm 1798 khi nghiên cứu về cách phòng chống căn bệnh này cho người dân. Năm 1881, Louis Pasteur đã đề xuất sử dụng rộng rãi thuật ngữ này nhằm vinh danh Jenner cho các phương pháp tiêm chủng.

Thế nhưng đây chưa phải là những gì thú vị nhất về loại dược phẩm đang được bán chạy nhất thế giới hiện nay.

Vaccine vốn là hàng "ế"?

Mới đây, Pfizer đã nâng mức dự báo doanh thu từ vaccine lên 33,5 tỷ USD năm 2021, cao hơn 28,8% so với dự báo trước đó. Tương tự, hãng dược AstraZeneca cũng cho biết đã thu về 1,2 tỷ USD từ vaccine trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó Moderna dự báo đạt doanh thu 18,4 tỷ USD nhờ các hợp đồng cung ứng vaccine.

Rõ ràng vaccine là một mỏ vàng cho các hãng dược ngày nay, thế nhưng ít ai biết rằng sản phẩm này từng bị các doanh nghiệp hắt hủi vì chẳng có lợi nhuận.

Ví dụ điển hình nhất là đã 17 năm trôi qua kể từ ngày đại dịch Sars bùng phát và cũng đã 7 năm kể từ ngày dịch cúm Trung Đông (Mers) xuất hiện, các nhà khoa học trên thế giới chưa từng tìm được Vaccine hiệu quả cho 2 loại dịch này dù đã có phác đồ điều trị.

Giám đốc Michael Osterholm của Trung tâm nghiên cứu chính sách và dịch bệnh truyền nhiễm (CIDRP) cho biết việc phát triển vaccine rất tốn kém và không có nhiều lợi nhuận. Con số có thể lên đến 1 tỷ USD với hàng loạt quy trình cấp bản quyền, thí nghiệm trên người cùng những tiêu chuẩn khắt khe khác. Đó là chưa kể tiêu chuẩn về phòng thí nghiệm có thể phát triển vaccine mới cũng khiến chính phủ phải tốn thêm rất nhiều tiền để đầu tư máy móc, nhân lực.

Đồng quan điểm, giám đốc Osterholm của CIDRP cho biết các cơ sở nghiên cứu Vaccine phải đạt tiêu chuẩn mới có thể thực hiện và chúng tốn khoảng 500-700 triệu USD để xây dựng, thông thường mất khoảng vài năm để hoàn thiện những cơ sở này.

Vào năm 2003, các nhà khoa học phải mất 4 tháng mới tổng hợp được bộ gen của virus Sars qua đó thử nghiệm vaccine lên động vật.

Lịch sử vaccine: Từ sản phẩm chẳng ai muốn phát triển đến mỏ vàng ngành dược thời dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Trường hợp thí nghiệm lên cơ thể người đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 12/2004, nhưng khi đó đỉnh điểm của đại dịch đã hết và các trung tâm nghiên cứu chuyển hướng sự ưu tiên của mình sang những loại vaccine khác. Hệ quả là cho đến nay vaccine phòng Sars vẫn chưa thực sự xuất hiện trên thị trường.

Trước đây, để đi từ việc phát hiện mã gen cho tới thử nghiệm vaccine lâm sàng thường tốn đến vài năm. Phía WHO cho biết trong số 33 dự án phát triển vaccine chống dịch Sars năm 2003, chỉ có 2 dự án là đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người, số còn lại đã bị đình chỉ hoàn toàn do không còn được ưu tiên cấp vốn.

Đối với dịch Mers, chỉ khoảng 3/48 dự án vaccine là đến được giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.

Trong khi đó, vaccine đầu tiên chống dịch Ebola mới được chấp thuận đưa vào sản xuất vào tháng 12/2019, nghĩa là 5 năm sau khi đại dịch này bùng phát. Việc tốn rất nhiều thời gian cho thử nghiệm và giấy tờ, kiểm duyệt khiến các nhà khoa học không thể đưa chúng ra thị trường quá nhanh được.

Đối với chính phủ, việc rót vốn và đổ nhân lực vào một dự án không còn gây được tiếng vang trong cộng đồng quá phí phạm nên phần lớn những dự án vaccine của Sars và Mers đều bị bỏ dở.

Chỉ đến khi đại dịch bùng phát, vaccine mới trở thành mỏ vàng của các hãng dược. Tuy nhiên ít ai biết rằng kể từ khi mới ra đời, vaccine cũng đã gặp rất nhiều khó khăn để phổ biến cho toàn thế giới.

Ông tổ của vaccine là... Trung Quốc?

Sự ra đời của vaccine vẫn là điều tranh cãi với các nhà sử học. Tài liệu lịch sử lâu đời nhất ghi nhận các phương pháp dùng vaccine xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ X cho bệnh đậu mùa. Mặc dù vậy nhiều đồn thổi dân gian, truyền thuyết cũng cho thấy vaccine có thể đã xuất hiện sớm hơn từ thế kỷ thứ I trước công nguyên nhưng chưa có bất kỳ bằng chứng khảo cổ nào.

Lịch sử vaccine: Từ sản phẩm chẳng ai muốn phát triển đến mỏ vàng ngành dược thời dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Edward Jenner thử nghiệm mủ bệnh đậu mùa bò

Những tài liệu chính thống lâu đời nhất cho thấy Trung Quốc đã biết đến cách dùng vaccine dạng sơ khai từ thế kỷ XV khi nghiền vảy sẹo của người bệnh để thổi vào mũi người bình thường nhằm chống bệnh đậu mùa.

Năm 1700, báo cáo đầu tiên về việc thực hành đưa virus vào cơ thể người để tạo kháng thể ở Trung Quốc đã được Hiệp hội hoàng gia Anh và Công ty Đông Ấn ghi nhận trong các bản thảo.

Năm 1721, nhà khoa học Charles Maitland đã thử nghiệm đưa virus vào cơ thể 6 tù nhân Anh ở London và tạo nên kết quả khả quan, qua đó thu hút sự chú ý của Hoàng gia. Thật không may, khi hoàng tử Octavius của Anh được đưa virus vào người, cậu bé đã qua đời vào năm 1783, qua đó chấm dứt sự hứng thú của giới quan chức thượng lưu với phương pháp này.

Mãi tới năm 1796, bác sĩ Edward Jenner mới tiếp tục nghiên cứu này khi lấy mủ từ tay người phụ nữ vắt sữa cho bò mắc bệnh đậu mùa bò, mang đi chấm vào tay một cậu bé 8 tuổi. Kết quả là cậu bé nãy có kháng thể với bệnh đậu mùa và Jenner đã thông báo rộng rãi phương pháp này vào năm 1798.

Đến năm 1801, nghiên cứu của Jenner đã được dịch ra 6 thứ tiếng và hơn 100.000 người đã được tiêm chủng theo ghi chép nhờ phương pháp trên.

Tuy nhiên, rủi ro mắc bệnh nặng hơn khiến phương pháp tiêm chủng sơ khai này vẫn bị coi là khá rủi ro. Dẫu vậy vì tình hình dịch bệnh nên chính phủ Anh cùng nhiều nước vẫn chấp nhận hành vi này, nhưng ban hành các quy định chặt chẽ hơn để hạn chế việc đưa virus bừa bãi vào cơ thể người vào năm 1840.

Đến năm 1853, Anh ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc nhưng thời kỳ đó khả năng chấp hành luật của hệ thống còn yếu nên hoạt động này vẫn mang tính tự phát.

Phải đến năm 1880 khi Louis Pasteur phát triển thành công các phương pháp tiêm vaccine an toàn phòng bệnh dịch tụ huyết trùng ở gà và bệnh than thì giới khoa học và quan chức cầm quyền mới dần chú ý hơn đến cách phòng bệnh dịch này. Tuy nhiên nổi tiếng nhất tại Việt Nam thì vẫn là câu chuyện ông phát triển thành công vaccine chống bệnh dại bất hoạt vào năm 1885.

Mặc dù không phải người đầu tiên đề xuất lý thuyết mầm bệnh cũng như phát triển vaccine nhưng ông đã có công phát triển, thực hiện thành công các thí nghiệm thuyết phục người dân Châu Âu tin vào tính đúng đắn của tiêm chủng.

Sau đó, nhiều phương pháp nuôi cấy vaccine tiếp tục được nghiên cứu và mở rộng khi các nhà khoa học đã tìm được cách hạn chế tỷ lệ rủi ro với người tiêm chủng xuống mức thấp nhất.

Lịch sử vaccine: Từ sản phẩm chẳng ai muốn phát triển đến mỏ vàng ngành dược thời dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Năm 1905, Mỹ ban hành luật tiêm chủng bắt buộc nhưng người dân vẫn khá thờ ơ với vaccine này và chỉ chấp nhận tiếp khi dịch bùng phát. Phải tới sau Thế chiến II thì Mỹ và nhiều nước mới thật sực thúc đẩy chương trình tiêm vaccine nhằm ngăn chặn bệnh dịch.

Năm 1959, Tổ chức y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước thúc đẩy hơn nữa chương trình tiêm vaccine bởi nhiều nước vẫn còn lo ngại về độ an toàn cũng như tác dụng phụ.

Tuy nhiên đến thập niên 1970-1980, các hãng dược ngày càng mất hứng thú với vaccine vì tốn kém mà không có lợi nhuận. Chi phí đầu tư cao, tiêu chuẩn xét duyệt lâu mà doanh thu thì chẳng có mấy do nhu cầu chủ yếu đến từ nước nghèo.

Cho đến tận trước đại dịch Covid-19, việc phổ biến vaccine toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Bên cạnh nguyên nhân doanh nghiệp không mặn mà phát triển, người dân sợ hãi tác dụng phụ cùng những tin đồn thất thiệt về hậu quả khi tiêm, việc nhiều nước quá nghèo để tiếp cận được nguồn vaccine cũng là một lý do. Tại các nước Châu Phi, người dân còn chẳng đủ ăn hay nước sạch chứ đừng nói đến vaccine.

Huyền Băng
Ý kiến của bạn
HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững

Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 – HCMC FOODEX 2024 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 18/05/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh