Liên kết “4 nhà”: Không khó để xử lý chất thải!
Theo Báo cáo về thực trạng và giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội việc phát triển kinh tế luôn được các cấp, ngành của Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đã thu được nhiều kết quả tốt, đời sống người dân có cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển kinh tế là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu phát triển kinh tế cũng xuất phát từ việc tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Tuy nhiên, mặt trái là vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn…
Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường như: Ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn… tại các cụm công nghiệp (CCN), làng nghề; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi thối trong các khu chăn nuôi; tàn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, nguồn nước… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó trong công tác xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Hiện nay, địa bàn Hà Nội có 70 CCN đang hoạt động, trong đó, 26 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải, 11 CCN đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp và thoát nước thải, 33 CCN chưa hoàn thiện hạ tầng; nhiều đơn vị sản xuất trong CCN tuy đã có hệ thống xử lý nước thải gia đình nhưng là mang tính đối phó, dẫn đến tình trạng nước chưa được xử lý cơ bản đã thải ra môi trường.
Ngoài ra, khi lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292/1350 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017-2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm nguồn nước (19,9%), tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý khoảng 5,2%.
Rất ít làng nghề dẫn được nước thải đến CCN làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, phần lớn là thải trực tiếp ra môi trường với mức độ ô nhiễm cao. Hàm lượng các chất ô nhiễm như chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần hoặc thậm chí là cả trăm, nghìn lần. Với khối lượng lớn nước thải do hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã khiến hệ thống nước mặt, nước ngầm tại các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.
Với nước thải chăn nuôi, tính đến năm 2020, ước tính cả Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 136,9 con bò, 38 triệu con gia cầm. Trong đó, nguồn ô nhiễm chính là chăn nuôi lợn.
Theo ước tính của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24l/con/ngày, cả năm Hà Nội có 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn. Phần lớn các trang trại này đang áp dụng quy trình sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại; chất thải được đưa thẳng tới hệ thống hầm Biogas… nhưng hệ thống Biogas chỉ cơ bản đạt tiêu chuẩn với mật độ nuôi dưới 100 con lợn, trên 100 con thì chất lượng nước thải là không đảm bảo.
Đối với chất thải rắn từ CCN, làng nghề sinh ra từ quá trình sản xuất phi nông nghiệp như chế biến thực phẩm, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, tái chế phế liệu… đều không được phân loại để tái chế sử dụng, mà chuyển thẳng về khu xử lý chất thải Nam Sơn hoặc Xuân Sơn để xử lý. Do giá thu gom rác thải công nghiệp khá cao, dao động từ 2000 - 4000 đồng/kg nên người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải tại một số nơi, gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn từ chăn nuôi gia súc tại Hà Nội khoảng 2,5 triệu tấn/năm; từ chăn nuôi gia cầm là 600 nghìn tấn/năm. Tuy chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng một bộ phận cơ sở trang trại và người dân xử lý chưa đúng quy trình hoặc sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng, việc này không chỉ tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cây trồng phát triển mà còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nguồn nước…
Ngoài ra, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội được vận chuyển về các khu xử lý rác thải tập trung khoảng 6500 tấn/ngày, một con số rất khủng khiếp. Quan trọng hơn là số rác thải từ các hộ gia đình chưa được phân loại xử lý tại nguồn nên gây quá tải cho các khu xử lý và gánh nặng công nghệ xử lý hiện nay…
Đã có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu giải pháp nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ các nguồn gây ô nhiễm nêu trên. Nhiều người nhận định là khó hay không thể làm.
"Giải pháp không khó, vốn không khó nhưng thủ tục hành chính nặng nề, nhiêu khê, cách làm áp đặt nên người dân ỷ lại chính quyền, chính quyền cấp dưới ỷ lại chính quyền cấp trên. Vậy thì sao mà làm? Việc cần làm là thay đổi tư duy…", ông Nguyễn Ngọc Việt - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ, chia sẻ trong bức xúc.
"Tôi xin bã thải hữu cơ về nuôi giun, trừ tất cả chi phí 1 năm thu từ 1 - 1,2 triệu đồng/m2 nên có thể khẳng định, 200 nghìn đồng hay 2 triệu USD cũng xử lý rác được", ông Việt chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - cán bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chia sẻ: Vấn đề môi trường không thể làm như trước đây, nếu cơ sở không đảm bảo việc xử lý chất thải thì cho đóng cửa để hạn chế việc xả thải.
Lê TuấnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.