Liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị đánh giá 01 năm thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, trao đổi về những nội dung, cách thức hợp tác trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề xuất về định hướng liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương.
- Nghệ An: Trao tặng xe đạp đến học sinh nghèo vượt khó học giỏi
- Nghệ An: Triển khai Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái
- Nghệ An: Phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
- Thị xã Thái Hòa - Điểm sáng vùng Tây Bắc Nghệ An
- Nghệ An: Phấn đấu “bước thật mạnh, tiến thật xa” sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, Bắc Trung bộ nói chung và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch, văn hóa Việt Nam. 3 tỉnh có đường bờ biển dài hơn 320 km, nhiều bãi biển đẹp. Các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Vũ Quang có lợi thế rất lớn phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh lợi thế tự nhiên, 3 tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Hàng ngàn di tích dày đặc về mật độ, phong phú về loại hình, đa dạng về nội dung và quy mô; gắn với lịch sử, văn hóa của đất nước, văn hóa cư dân vùng biển, thể hiện truyền thống bất khuất, kiên cường qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc. Tiêu biểu như Thành nhà Hồ, Thành cổ Vinh, Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Cờn, đền Củi...
Cách đây hàng ngàn năm, khu vực “sông Mã - sông Lam” sớm có mối liên hệ trong chiều sâu lịch sử của các nền văn hóa cổ, nhất là trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn được minh chứng hiện hữu qua các di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, trong đó nhiều di sản chung như: Ca trù, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nhắc đến “xứ Thanh, xứ Nghệ” là nhắc đến vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nổi danh là đất anh hùng, đất thi nhân, đất khoa bảng, quê hương của Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất... cùng với những giá trị truyền thống của gần 50 dân tộc anh em chung sống trong vùng.
Chủ động phối hợp, thực hiện nhiều giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và du lịch của địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung bộ, trong đó có 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển du lịch vùng, trong đó xác định “tập trung khai thác thế mạnh du lịch, lịch sử, văn hóa đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh”.
Mới đây, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ “trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy”.
Trên cơ sở định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và du lịch của địa phương gắn với liên kết vùng. Các tỉnh đã tích cực trao đổi trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; cùng nhau nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật về văn hóa Đông Sơn, Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh...
Cùng với đó, các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ xếp hạng, vinh danh di sản, di tích, danh nhân. Năm 2022 và năm 2023, ba tỉnh tiếp tục đóng góp vào kho tàng di sản, di tích của Việt Nam với 01 di sản UNESCO, 04 di sản văn hóa quốc gia, 03 di tích quốc gia, 01 bảo vật quốc gia. Cũng trong hai năm này, nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh. Như vậy, đến nay trong số 7 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh thì có tới 3 nam nhân và duy nhất 1 nữ nhân đều là người xứ Nghệ.
Bên cạnh đó, các tỉnh đã tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật, góp phần quảng bá và nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Một số sự kiện được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật quần chúng, nhân dân và du khách tham gia như Lễ hội làng Sen, Cõi thiêng Đồng Lộc, Hội diễn đàn hát dân ca 3 miền, Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh...
Thời gian qua, hoạt động liên kết du lịch được tăng cường, tích cực đồng hành, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tuyên truyền, quảng bá các sự kiện du lịch, văn hóa. Bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung”, các tour du lịch liên tỉnh trải nghiệm văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển, tham quan nông thôn mới…
Nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới phát huy lợi thế liên kết 3 tỉnh
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa gắn kết phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh, các tỉnh cần phải liên kết, hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa, du lịch.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển vùng và các nghị quyết chuyên đề phát triển tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và sắp tới sẽ ban hành Quy hoạch phát triển vùng, do vậy, các tỉnh cần tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, đề xuất ưu tiên sớm đầu tư, hoàn thành các dự án hạ tầng dùng chung, nhất là hạ tầng lớn.
Cùng với đó, các tỉnh cần nghiên cứu một mô hình tăng trưởng ngành du lịch, dịch vụ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của vùng nhằm cải thiện môi trường, văn hóa kinh doanh; đầu tư, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học. Đồng thời, đề xuất Trung ương ban hành các chính sách, thể chế đủ mạnh để phát triển du lịch, văn hóa vùng.
Mặt khác, các tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị di sản, các truyền thống lịch sử. Tăng cường phối hợp hơn nữa trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại trong và ngoài nước. Duy trì và phát triển các tour, tuyến du lịch. Cùng nhau thúc đẩy hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào, Đông bắc Thái Lan.
Ngoài ra, các tỉnh cần tăng cường phối hợp huy động nguồn lực khu vực tư nhân cho phát triển văn hóa, du lịch, trong đó cùng nhau nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới có thể phát huy lợi thế liên kết 3 tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo của 3 tỉnh cần tăng cường liên kết với nhau và với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành văn hóa, du lịch.
Thái QuảngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.