Liên minh xuất khẩu gạo: Tại sao không?

Cộng tác viên
03:00 PM 11/06/2020

Nếu liên minh lại bằng một cơ chế chặt chẽ, các cường quốc lúa gạo như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia... hoàn toàn có thể làm chủ thị trường lương thực.


    Liên minh xuất khẩu dầu OPEC tạo ra sức mạnh cho các nước sở hữu nguồn tài nguyên quý giá này.

    Muốn mạnh phải liên minh

    Trước năm 1960, thị trường dầu mỏ thế giới hỗn loạn, mỗi ngày có hàng trăm biểu giá giao dịch khác nhau. Các nước có trữ lượng dầu lớn ở Trung Đông, châu Mỹ bị thiệt hại nặng do chính sách “làm giá” của thương lái Âu - Mỹ.

    Khai thác ra sao khi dầu mỏ được mệnh danh là “vàng đen”? Sáu nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất nhóm họp lại để bàn về cơ chế thống nhất khai thác để bảo vệ giá, họ liên minh lại. Sau đó không lâu những nhà xuất khẩu này nâng giá dầu lên 30%, nâng thuế tối thiểu áp dụng cho các công ty khai thác lên 50%.

    Từ cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 đến nay, thị trường dầu mỏ luôn biến thiên theo các diễn biến chính trị, kinh tế. Nhưng về cơ bản, liên minh xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (OPEC) vẫn kiểm soát được sản lượng, giá và thị phần thời điểm ít nhất cũng đạt 33%.

    Một cách gián tiếp, nhờ có liên minh, nhiều quốc gia Trung Đông đã khai tận dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên để xây dựng một khu vực kinh tế năng động và thịnh vượng bậc nhất.

    Trên thế giới có hàng trăm mối liên minh trong nhiều lĩnh vực, để duy trì vị thế các nước công nghiệp tân tiến nhất, Mỹ đã khởi xướng thành lập G7, G8, G11. Trong lĩnh vực tài chính - để đảm bảo khỏi bị phá giá, hoặc độc quyền lãi suất, ân hạn, hoãn nợ, xóa nợ..., cho các nước nghèo, “Câu lạc bộ Paris” ra đời gồm có 19 thành viên là những quốc gia giàu nhất thế giới.

    Đứng ở giác độ toàn cầu hóa, liên minh là một xu thế tất yếu, để nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng ưu điểm, hạn chế nhược điểm. Nhưng có hai mục đích quan trọng nhất của liên minh là tạo ra thể chế thống nhất hành động và tạo ra lợi ích tối đa cho các thành viên.

    Xuất khẩu gạo, rất cần liên minh!


    Liên minh xuất khẩu gạo là cần thiết.

    Tháng trước, Trung Quốc đột nhiên tăng sản lượng nhập khẩu gạo, tại Việt Nam, từ nông dân đến thương lái, cả cơ quan chức năng lập tức rơi vào bị động, đã có những chuyện đau lòng liên quan đến lợi ích xung quanh hạt gạo.

    Đầu năm 2019, Trung Quốc đột ngột giảm nhập khẩu gạo bằng cách nâng thuế lên 50%; thêm vào đó Thái Lan và Campuchia chào bán gạo thấp hơn giá của Việt Nam, thế là những nhà xuất khẩu gạo nội địa cũng đứng ngồi không yên.

    Tại sao không tìm cách liên kết với các nước cùng xuất khẩu gạo để thống nhất một chính sách chung về thị trường, giá cả. Điều này rất quan trọng, bởi vì ngay thời điểm Việt Nam là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chúng ta cũng chưa đủ lực để điều tiết thị trường. Vài năm trở lại đây, gạo Việt Nam có dấu hiệu thất thế.

    Năm 2009, ngoại trưởng Thái Lan khi đó là ông Kasit Piromya đã nói với báo giới tại Hà Nội, rằng: “Dù liên tục có sự thay đổi Chính phủ thời gian qua nhưng về mặt chính sách, Thái Lan sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thực hiện sáng kiến thành lập một liên minh xuất khẩu gạo”.

    Năm nước ASEAN là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn gạo, chiếm tới 2/3 sản lượng lương thực toàn cầu. Nhưng Việt Nam chỉ thu được 2,81 tỷ USD từ xuất khẩu gạo trong năm 2019, đây là con số khiêm tốn.

    Gạo Việt Nam ra thị trường quốc tế luôn bất ổn vì thiếu “hệ sinh thái” để xây dựng chuỗi giá trị theo chiều sâu. Hơn nữa, câu chuyện xuất khẩu gạo vừa rồi cho thấy, tính đoàn kết nơi doanh nghiệp Viêt luôn có vấn đề.

    Dù có nhiều chương trình lớn nhằm phát triển đất nước, nhưng hạt gạo vẫn vô cùng quan trọng với con người và xã hội Việt Nam - một đất nước xuất phát từ nền văn minh lúa nước, 70% dân số sống ở nông thôn, chính hạt gạo mới là sản phẩm đầu tiên đưa Việt Nam vào top xuất khẩu lớn nhất thế giới.

    Vậy không có lý do gì không tìm cách xây dựng thị trường bền vững, bảo vệ giá cả và tránh xung đột cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ nhằm tối ưu hóa tính kinh tế của lúa gạo.

    Ý kiến của bạn