Liên tục tăng nóng, lãi suất các ngân hàng hiện ra sao?

Ngân hàng
04:12 PM 14/12/2022

Từ đầu tháng 12/2022, đã có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động lên khá cao, như: ABBank tăng 2,7%/năm, Bac A Bank tăng 1,6%/năm, DongA Bank tăng 1,55%, Sacombank tăng 1,5%/năm…

Lãi suất huy động tại ngân hàng tăng cao

Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những đợt điều chỉnh lãi suất lớn. Cụ thể, từ ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước tăng hàng loạt lãi suất điều hành, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng từ 0,1% lên là 0,5%/năm, từ 1- dưới 6 tháng là 5,5%/năm.

Sang đến tháng 10, một lần nữa, lãi suất điều hành lại tăng mạnh. Trần lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm, từ 1 - dưới 6 tháng tăng từ 5% lên 6%; trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,5% lên 1%; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 5% lên 6%; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 3,5% lên 4,5%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7%. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5% một năm.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước mới đây điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng (room tín dụng) năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng được cung ứng cho nền kinh tế khi room tín dụng. Cùng với việc nới room, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động lên cao kỷ lục.

Liên tục tăng nóng, lãi suất các ngân hàng hiện ra sao? - Ảnh 1.

Khách hàng gửi tiết kiệm online tại SHB nhận được mức lãi suất 9,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà khách hàng gửi tiền nhận được tại thời điểm hiện tại.

Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có chương trình khuyến mãi sinh nhật 29 năm của ngân hàng, khách hàng cá nhân đều được cộng thêm lãi suất khi tửi tiền tiết kiệm. Cụ thể, khách hàng cá nhân (KHCN) sẽ nhận được quà tặng có giá trị tương đương lãi suất 0,58%/năm khi gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi từ 10 triệu đồng tại quầy và được cộng ngay lãi suất ưu đãi 0,58%/năm khi gửi online đối với các sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Như vậy, khách hàng gửi tiết kiệm online nhận được mức lãi suất 9,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà khách hàng gửi tiền nhận được tại thời điểm hiện tại.

Ngoài các ưu đãi quà tặng trực tiếp, KHCN khi tham gia chương trình còn có cơ hội nhận được mã dự thưởng tham gia quay số cuối kỳ với tổng giá trị giải thưởng gần 1,3 tỷ đồng. Theo đó, tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với tất cả các mức tiền gửi, lãi suất huy động đều vượt mức 12%/năm, trong đó tại kỳ hạn từ 18 tháng, khi khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 12,7%/năm. Ngoài ra, khi gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động ở mức 12,5%/năm. Kỳ hạn 6-12 tháng ngân hàng áp dụng mức lãi suất từ 11,1 - 11,9%/năm với tất cả các mức tiền gửi. Đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất huy động kịch trần 6%/năm đối với tất cả các mức tiền gửi.

NCB trả lãi cao nhất 12,25%/năm, cho kỳ hạn từ 12 tháng. Kỳ hạn 10 tháng cũng được trả lãi lên tới 12,15%. Mức lãi này cao hơn nhiều lần lãi suất niêm yết, chỉ 9,2 – 9.35%/ năm thỏa thuận tại quầy. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi này, khách hàng phải có khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

SaigonBank hiện đang thuộc Top 3 ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Với khách hàng gửi online, ngân hàng này đang trả lãi suất 6% cho tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng. Kỳ hạn 6 tháng là 9,6%/năm và lên đến 9,8% cho kỳ hạn 9 tháng, 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. 13 tháng hiện nay được ngân hàng này niêm yết tại mức 10,5%/năm.

Luôn đứng đầu bảng trong lãi suất huy động, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại SCB có mức lãi suất huy động thấp hơn 1 số ngân hàng khác. Gửi tiền dưới 6 tháng hiện là 6%/năm. Từ 6 - 11 tháng lãi suất là 9,9%, từ 12 tháng trở đi, lãi suất là 9,95%/năm.

Có thể thấy, từ đầu tháng 12 này, hầu khắp các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động lên khá cao như ABBank tăng 2,7%/năm, Bac A Bank tăng 1,6%/năm, DongA Bank tăng 1,55%, Sacombank tăng 1,5%/năm…

12 ngân hàng giảm lãi suất cho vay khách hàng

Cùng với việc tăng lãi suất huy động, để chia sẻ với khách hàng vay hoạt động kinh doanh, cũng có không ít ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm.

SHB cho biết đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh… Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ. Ngân hàng này còn miễn hoặc giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cận Tết.

VIB áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng trong thời gian từ 10/10/2022-30/06/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ (MSME) vay kinh doanh tại VIB. MB Bank cũng đang triển khai gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 - 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu...

HDBank thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất giảm: 0,5% - 3,5%/năm. HDBank ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất. Đối với khách hàng doanh nghiệp, HDBank giảm lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; tại các khu chế xuất- khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống.

Hay như Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022. Ngân hàng cũng lưu ý, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….

Từ ngày 8 - 31/12, Ngân hàng Shinhan giảm lã suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp từ 0,9 đến 1,3 điểm % tùy vào thời hạn vay. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Ngân hàng Shinhan giảm 0,6 điểm % lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng.

Mới đây, trong công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Các nhà băng phải tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính... để có dư địa giảm thêm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, và góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện tại, đã có 12 ngân hàng giảm lãi suất cho vay với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho DN, người dân với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Theo báo cáo của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vào cuối tháng 11, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 - 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn. 

"Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 - 4 điểm % so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước COVID-19", báo cáo viết.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn